Sự hỗ trợ liên tục và bền vững cho chế độ dinh dưỡng trí não trong mùa thi từ cha mẹ sẽ giúp các em học sinh nâng cao cơ hội thành công ở kỳ thi sắp tới.
Theo các tài liệu về dinh dưỡng để phát triển trí não thì có 5 chất dinh dưỡng cần nhất cho bộ não.
1. Glucose là nhiên liệu cho não hoạt động. Để não hoạt động tốt thì lượng đường trong máu cần ổn định (không nên quá thấp hay quá cao). Do đó, nên hạn chế các loại đường hấp thu nhanh vào máu như đường tinh (nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức uống có đường) vì sẽ làm đường huyết tăng nhanh và sau đó sẽ giảm nhanh. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, khoai, rau cũ sẽ tốt hơn đường tinh vì hấp thu vào máu từ từ giúp lượng đường trong máu ổn định và duy trì kéo dài. Đường từ trái cây cũng hấp thu vào máu nhanh nhưng do cần thời gian chuyển hóa từ fructose sang glucose nên làm chậm tác dụng lên cơ thể. Hơn nữa, trái cây có chất xơ nên cũng không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn như đường tinh.
2. Chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6) được ví như những 'kiến trúc sư' xây dựng 'trí thông minh' . Đây là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh giữa các tế bào. Não còn cần chất béo bão hòa và cholesterol, thường có sẵn trong nhiều thực phẩm. Riêng omega-3 và omega-6 thì dễ thiếu do cơ thể không tự tổng hợp được. Các chất béo thiết yếu này có trong các loại cá như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích và các loại hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hướng dương, hạt đậu tương, hạt diều, hạt dẻ, mè.
3. Phospholipid là người bạn tốt nhất của trí nhớ, là chất béo tạo nên sự 'thông minh' của não, giúp tạo chất myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não. Mặc dù cơ thể c ó thể tự tạo phospholipid nhưng chế độ ăn có thêm chất này vẫn tốt hơn. Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng.
4. Acid amin được ví như 'tiếng nói' của não và cảm xúc, là thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh (chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác). Những acid amin này có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành, đậu phụ và các loại đậu khác.
5. Vitamin và khoáng chất giúp chuyển glucose thành năng lượng, acid amin thành chất dẫn truyền thần kinh, chất béo thiết yếu đơn giản thành dạng phức tạp hơn. Đặc biệt là các vitamin nhóm B như B1, B3, B5, B6, B12 (có trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau), vitamin C (có trong rau & trái cây), acid folic (có trong rau lá xanh đậm), Magie (có trong rau xanh thẫm & các loại hạt), man-gan (có trong các loại hạt, trái cây, trà), và kẽm (có trong hào, ngao, cá và các loại hạt).
PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!