Khoa học vẫn chưa khám phá ra cơ chế đằng sau lý do tại sao giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn, nhưng hẳn bạn đã từng cảm thấy cáu kỉnh và mệt mỏi, đầu óc không minh mẫn khi thức dậy sau một đêm thiếu ngủ. Đây chỉ là một phần nhỏ của những tác hại mà thiếu ngủ đem lại.
Bên cạnh các loại thực phẩm lành mạnh, nước sạch ,thói quen tập thể dục,thì giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng của sức khỏe. Ngày càng có nhiều các nghiên cứu chứng minh giấc ngủ có liên quan đến chu kỳ ngủ-thức của bạn, cũng như vai trò quan trọng của giấc ngủ đối với các quá trình hoạt động khác nhau trong cơ thể.
Nhìn bề ngoài, thiếu ngủ khiến tâm trạng của bạn luôn ở trạng thái tồi tệ và nguồn năng lượng của cơ thể bị thiếu hụt. Tuy nhiên, mất ngủ mãn tính cũng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh trầm cảm, tăng cân, tăng nguy cơ bị tiểu đường, ung thư và nguy cơ gặp tai nạn. Vì vậy giấc ngủ cực kỳ cần thiết để giúp bạn giữ tinh thần tỉnh táo, có năng lượng làm việc, sáng tạo hơn và tối ưu hóa chức năng hoạt động của cơ thể.
Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn
Mỗi năm lại có thêm những “kẻ thù” mới của giấc ngủ, đấy là các thiết bị công nghệ điện tử ra đời phục vụ nhu cầu giải trí của bạn. Khi bạn buộc phải đi ngủ mà không có điện, chẳng hạn như khi đi cắm trại hoặc khi bị cúp điện, giấc ngủ của bạn sẽ sâu hơn và cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nguồn ánh sáng vào ban đêm làm gián đoạn đồng hồ sinh học và mức độ melatonin của cơ thể, cả hai đều chịu trách nhiệm giúp giấc ngủ của bạn được sâu hơn và khiến tâm trạng của bạn tốt hơn trong ngày hôm sau.
Các rối loạn giấc ngủ sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi có các ánh sáng màu xanh phát ra từ các thiết bị kỹ thuật số như eBook, máy vi tính, điện thoại di động và đèn LED tiết kiệm năng lượng. Ánh sáng màu xanh này có lợi vào ban ngày vì nó làm tăng sự chú ý của bạn, cải thiện tâm trạng và làm giảm thời gian phản ứng. Tuy nhiên vào ban đêm, ánh sáng xanh này lại không tốt cho cơ thể của bạn vì những thay đổi này có thể phát sinh thêm những ảnh hưởng khác.
Theo một nghiên cứu công bố trên Current Biology, việc tăng số giờ bạn tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cũng có thể có ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp và mật độ xương của bạn.
Tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ
Mặc dù căng thẳng, lối sống và sự ô nhiễm ánh sáng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, các chứng bệnh rối loạn giấc ngủ khác cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ngủ.
Tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ (OSA) là sự rối loạn hơi thở khi ngủ, cụ thể việc trao đổi không khí của cơ thể có thể bị gián đoạn trong giây lát hoặc giảm sút, bất chấp việc bạn vẫn cố gắng thở.
Thật không may, bạn khó có thể nhận ra những triệu chứng của OSA vì chúng bao gồm những thay đổi về hơi thở của bạn trong khi ngủ. Sau khi thức dậy, bạn có thể gặp những cơn buồn ngủ kinh niên và cảm thấy mệt mỏi, và người khác cũng có thể bị ảnh hưởng do tiếng ngáy to giữa đêm của bạn.
Mối liên kết giữa mất ngủ với chứng mất trí nhớ
Thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thiếu ngủ khiến não của bạn dễ bị tổn thương hơn, dễ kích hoạt các protein liên quan đến chứng mất trí nhớ. Bệnh Alzheimer, một trong những hình thức suy nhược của bệnh mất trí nhớ đã được chẩn đoán trên gần 40 triệu người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra beta-amyloid, một loại protein có ở những người bị bệnh Alzheimer, tập hợp trong bộ não của bạn khi bạn đang bị mất ngủ kinh niên. Những tác nhân này cản trở giấc ngủ của bạn, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa mất ngủ và bệnh mất trí nhớ.
Rủi ro liên quan đến việc mất ngủ
Mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe não bộ và sức khỏe tổng thể của bạn. Sau đây là các tác hại có thể xảy ra khi bạn bị mất ngủ:
- Tăng nguy cơ tai nạn xe cộ;
- Tăng nguy cơ gặp tai nạn tại nơi làm việc;
- Khả năng thực hiện công việc bị suy giảm;
- Suy giảm khả năng học hỏi và ghi nhớ;
- Giảm hiệu suất làm việc;
- Khả năng sáng tạo bị suy giảm;
- Các kỹ năng vận động thể thao bị sút giảm;
- Tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2, béo phì, ung thư, cao huyết áp, loãng xương và bệnh tim mạch;
- Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer;
- Chức năng miễn dịch bị suy giảm;
- Giảm thời gian phản xạ;
- Giảm khả năng điều chỉnh và nhận thức cảm xúc;
- Tăng độ nhạy cảm ở bệnh loét dạ dày;
- Làm trầm trọng thêm các bệnh Alzheimer, Parkinson, đa xơ cứng và ung thư.
Làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình?
Việc tăng số giờ ngủ lên tám giờ mỗi đêm và cải thiện chất lượng của giấc ngủ có thể giúp làm giảm đáng kể những rủi ro nêu trên. Các gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn:
- Biến phòng ngủ thành thiên đường cho giấc ngủ. Bạn nên đem các thiết bị điện tử ra ngoài phòng ngủ, dùng đèn mờ, giữ nhiệt độ lạnh trong phòng, dùng gối có độ cao phù hợp và chăn có độ dày đủ để giữ ấm cho bạn;
- Tạo thói quen lành mạnh. Vào ban ngày bạn nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tập thể dục hằng ngày. Gần đến giờ đi ngủ thì bạn nên tránh xa các thiết bị điện tử, không vận động mạnh và thư giãn tâm hồn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc.
Giấc ngủ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn nên xây dựng một thói quen khoa học để luôn có một giấc ngủ ngon đúng nghĩa nhé.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!