Bệnh gút là gì?
Theo PGS.TS.Nguyễn Mai Hồng, bệnh gút là bệnh lý khớp viêm phổ biến ở người trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh gút tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó đa số gặp ở nam giới, độ tuổi trung niên và có thể gặp ở phụ nữ lớn tuổi.
Bệnh gút không chỉ gây đau đớn mà có thể phá hủy khớp, gây tàn phế
Bệnh gút là do nồng độ acid uric trong máu tăng cao vượt quá mức độ bão hòa của acid uric trong dịch ngoại bào dẫn đến hình thành các vi tinh thể urat, các tinh thể này thường lắng đọng tại khớp gây ra tình trạng viêm khớp cấp và mạn tính, lắng đọng tại mô mềm sẽ hình thành các hạt tô phi, lắng đọng tại thận gây sỏi thận, bệnh thận kẽ và suy thận. Tuy nhiên, có khoảng 40% bệnh nhân gút có nồng độ acid uric máu không tăng, nên xét nghiệm acid uric máu bình thường cũng không loại trừ bệnh gút.
Đối tượng có nguy cơ bị bệnh gút bao gồm: thừa cân, béo phì, uống bia rượu quá mức và các rối loạn chuyển hóa như: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch làm gia tăng tỉ lệ mắc gút.
Trong dịp Tết, việc ăn uống quá nhiều chất đạm, mỡ, khiến những bệnh nhân vốn có bệnh khớp nặng thêm hoặc tái phát cơn gút cấp.
Dấu hiệu của bệnh gút
-Nam giới tuổi trung niên có cơn đau khớp cấp, đôi khi là đợt đau khớp tái phát.
-Sưng, nóng, đỏ, đau tại một hay nhiều khớp.
-Khớp đau dữ dội, nhất là sau khi uống rượu, ăn các loại phủ tạng động vật, hải sản, đau nhất là ban đêm.
-Khớp hay gặp nhất là khớp ngón chân cái, khớp cổ chân hoặc có thể gặp các khớp bàn chân, khớp gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay…..
- Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của gút thường là không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ xét nghiệm máu thấy nồng độ acid uric trong máu cao.
Các vi tinh thể urat lắng đọng tại khớp gây ra tình trạng viêm khớp cấp
Người mắc bệnh gút cần chế độ ăn thế nào?
Thuốc dùng điều trị bệnh gút chủ yếu là cắt cơn đau khớp và hạn chế gút tái phát. Vì vậy, việc phòng bệnh gút để hạn chế bệnh gút nặng thêm và hạn chế cơn đau tái phát là hết sức cần thiết.
Cũng giống như bệnh tiểu đường, người bị bệnh gút cần có lối sống lành mạnh, hạn chế một số loại thực phẩm nhiều đạm, rượu bia. Nhiều bệnh nhân mắc cơn gút cấp sau kỳ nghỉ Tết kéo dài là do không tuân thủ chế độ ăn, uống rượu bia, ít vận động….
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh gút
Trong dịp Tết, người mắc bệnh gút cần tuân thủ:
-Không uống rượu, bia.
-Giảm cân ở người thừa cân, béo phì (bằng hình thức vận động cơ thể, kiêng ăn mỡ động vật, ăn giảm chất bột, tăng cường ăn rau).
- Uống đủ nước hàng ngày (khoảng 1,5 - 2,0 lít bao gồm cả nước có trong canh, rau, trái cây) hoặc uống hơn lượng nước đó càng tốt nhằm tăng lượng nước tiểu đào thải acid uric.
- Không ăn các loại phủ tạng động vật (tim, gan, lòng, lá lách, thận), không ăn thịt đỏ (trâu, bò, chó). Giảm đạm động vật, thịt ăn không quá 150g/ngày.
-Hạn chế ăn hải sản, nhất là cá trích, cá cơm, trứng cá.
Tóm lại, bệnh gút là một bệnh lý có thể điều trị và dự phòng được. Tuy nhiên việc người bệnh lạm dụng thuốc corticoid, cũng như chẩn đoán muộn dẫn đến nhiều biến chứng cho bệnh nhân gút. Do đó, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!