Gút trải qua 4 giai đoạn từ khi âm thầm tích lũy acid uric trong máu cho đến cuối giai đoạn 4 mới xuất hiện gút Tophi mạn tính, sau một quá trình phát triển lâu dài trên dưới 10 năm, gặp nhiều nhất ở ngón chân cái, soi dịch khớp dưới kính hiển vi thấy các tinh thể hình kim monosodium urate.
Bệnh gút cần phân biệt với bệnh Giả gút do lắng đọng các tinh thể calcium pyrophosphate tại một hay nhiều khớp, thường gặp ở người già, đa số không có triệu chứng, soi dịch khớp dưới kính hiển vi thấy các tinh thể hình thoi.
Thuốc chữa các cơn gút:
Thuốc chữa và đề phòng các cơn gút sau đó gồm có:
- Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Gồm các thuốc mua không cần toa như ibuprofen và naproxen sodium cùng với các thuốc mạnh hơn phải cần toa như indomethacin hay celecoxib.
Bác sĩ có thể cho liều cao hơn để làm dừng đợt cấp, tiếp theo là liều hàng ngày thấp hơn để phòng các đợt tái phát.
NSAIDs có nguy cơ gây đau dạ dày, chảy máu và loét.
- Colchicine là thuốc giảm đau có hiệu quả. Tuy vậy thuốc có các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Sau khi hết cơn gút cấp, bạn có thể dùng colchicine liều thấp mỗi ngày để phòng tái phát.
Corticosteroids có thể kiểm soát tình trạng viêm và đau. Có thể dùng thuốc viên hay thuốc tiêm vào khớp.
Corticosteroids thường dành cho người không thể dùng NSAIDs hay colchicine. Các tác dụng phụ của corticosteroids có thể là: thay đổi tính khí, tăng đường huyết và tăng huyết áp.
Thuốc đề phòng biến chứng của gút:
Nếu bạn bị vài ba cơn gút mỗi năm hoặc bị thưa hơn nhưng rất đau, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc làm giảm nguy cơ biến chứng có liên quan với gút. Các lựa chọn có thể là:
Các thuốc ngăn chặn sản xuất acid uric. Thí dụ các thuốc xanthine oxidase, gồm có allopurinol và febuxostat làm hạn chế việc tạo ra acid uric. Thuốc này làm hạ acid uric máu và giảm nguy cơ của gút.
Các tác dụng phụ của allopurinol bao gồm phát ban và giảm tế bào máu. Các tác dụng phụ của febuxostat là phát ban và giảm chức năng gan.
Thuốc làm tăng loại bỏ acid uric. Probenecid cải thiện khả năng của thận loại bỏ acid uric khỏi cơ thể. Làm giảm acid uric và giảm nguy cơ của gút, nhưng acid uric trong nước tiểu lại tăng. Các tác dụng phụ là phát ban, đau dạ dày và sỏi thận.
Sai lầm thường gặp trong chẩn đoán và điều trị bệnh gút
Gút là một rối loạn chuyển hóa mạn tính. Tình trạng tăng acid uric gây lắng đọng chất này ở mô dưới da, gân, khớp, thận gây ra tình trạng bệnh lý cho các tạng này chẳng hạn như viêm khớp, sỏi thận, suy thận.
Người bị bệnh gút có nguy cơ cao về các bệnh lý tim mạch. Cho đến nay, các bác sĩ đều đồng ý với nhau rằng gút là một bệnh lý toàn thân chứ không chỉ tập trung cục bộ ở khớp như từng được quan niệm trước đây.
Nguồn gốc của acid uric trong máu không phải chỉ đến từ bên ngoài mà còn do tình trạng chuyển hóa trong cơ thể.
Các sai lầm về chẩn đoán và điều trị bệnh gút có thể đến từ ba phía:
- Bệnh nhânthiếu hiểu biết và không được truyền bá đầy đủ kiến thức về bệnh gút,
- Bác sĩ điều trịthường khi thấy bệnh thuyên giảm cho là mọi cái đã tốt đẹp nhưng sự thật, acid uric máu tương đối cao ở bệnh nhân hay dao động lên xuống sẽ làm hư hại dần chức năng của thận - đây là điều tồi tệ nhất,
- Bảo hiểm y tếvới một đôi điều còn bất cập.
Từ phía bệnh nhân:
Nhiều người nghĩ rằng khi điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi bệnh gút.
Thực ra, khi bạn uống thuốc và hết đau chỉ mới có nghĩa là tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Nên nhớ rằng bệnh gút có diễn biến mạn tính, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí rất lâu trên dưới 10 năm.
Các khuyến cáo đều khuyên là nếu bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng và acid uric máu trở về bình thường vẫn cần tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi và trong 6 tháng nếu đã có tophi.
Ăn kiêng triệt để sẽ không bị các cơn gút tái phát?
Không hoàn toàn đúng. Vì acid uric vẫn đến từ nguồn nội tại trong cơ thể. Tuy vậy cũng nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều purin (nội tạng động vật, các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc và các loại hạt…), rượu, bia.
Nước ngọt có gas an toàn với người bị gút?
Hoàn toàn sai. Vì các loại nước ngọt có gas làm tăng acid uric trong máu, không thua kém gì bia. Cần kiêng dùng nước ngọt có gas, nhất là khi dùng với hải sản.
Một số người tin vào nước ép trái dưa leo hoặc một số cây như cây đất nở hoa hoặc một số bài thuốc đăng trên cộng đồng mạng có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh gút.
Không đáng tin. Thực tế cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các biện pháp điều trị khỏi triệt để bệnh gút.
Bệnh gút chỉ ảnh hưởng đến khớp nên không nguy hiểm đến tính mạng, do vậy không cần phải theo dõi lâu dài?
Rất sai. Vì bệnh nhân gút có nguy cơ bị thêm bệnh lý thận có thể dẫn đến sỏi thận, suy thận. Tỷ lệ bệnh lý tim mạch tăng cao ở người bị gút và có thể gây ra các biến cố tim mạch chết người. Bạn cần được theo dõi và điều trị tích cực bệnh gút.
Chỉ có đàn ông tuổi trung niên là mắc bệnh gút?
Sai. Mặc dù bệnh gút hay gặp nhất ở đàn ông trung niên tuổi trên 40, nhưng với các chuẩn sinh hoạt được cải thiện, chế độ ăn purine ngày một cao, và với tỉ lệ tiêu thụ rượu bia khủng như ở nước ta hiện nay bệnh gút có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mỡ cằm và mỡ trong cơ thể thường cao.
Đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh, vì hàm lượng estrogen giảm mạnh, nên việc đề phòng và điều trị bệnh gút là không thể coi thường được.
Bệnh gút chỉ xảy ra cho người giàu có chế độ ăn giàu đạm?
Cũng sai. Người ta nhận thấy người nghèo cũng có tỉ lệ bệnh gút cao như mọi người, giàu nghèo đều có thể bị bệnh gút.
Trong bệnh gút phải có dấu hiệu acid uric máu cao?
Không nhất thiết. Nhiều người đi thử máu thấy có hàm lượng acid uric cao, họ cho rằng đương nhiên là họ mắc bệnh gút. Nói chung chỉ có khoảng 10% số người có acid uric trong máu cao bị bệnh gút. Cũng vậy, khi điều trị gút, các bệnh nhân acid uric máu cao thường mong cho hàm lượng acid uric máu giảm xuống. Quan niệm này ngày nay không còn đúng nữa và đôi khi còn ngược lại, acid uric sụt giảm có thể làm nặng thêm cơn bệnh gút.
Vì rằng acid uric máu có thể bị sụt giảm đột ngột do lắng đọng các tinh thể urate không hòa tan bên trong các khớp và mô chung quanh, điều này khởi xướng một viêm khớp do gút - tình trạng này cũng được gọi là viêm khớp di căn metastatic arthritis. Do đó trong điều trị, thường ngưới ta bắt đầu bằng các liều nhỏ thuốc làm giảm acid uric và tăng dần lên tới liều đầy đủ.
Các kháng sinh có thể chống lại gút?
Sai. Các kháng sinh thực tế không có tác dụng gì đến chuyển hóa của acid uric. Sự áp dụng một cách khoa học và hợp lý việc điều chỉnh các thuốc chuyển hóa acid uric, giúp khôi phục sự thăng bằng của chuyển hóa acid uric trong cơ thể mới là các nguyên lý của điều trị.
Có thể điều trị gút từng thời kỳ ngắn?
Sai. Điều trị ngắn hạn chỉ có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, và theo thời gian bệnh sẽ quay trở lại không thể tránh khỏi. Như vậy điều trị gút phải có kế hoạch dài hạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh gút có gây hại cho thận?
Sau cơn gút, thường bạn chỉ quan tâm đến các triệu chứng của khớp và acid uric mà không đánh giá xem các thận bị hư hại ra sao. Gút không chỉ làm tổn thương đến các khớp mà nó cũng có thể sinh ra các tinh thể nhỏ ở trong thận và đưa đến sỏi thận, suy thận.
Do đó, người bị gút phải lưu ý thử các chức năng thận để có thể phát hiện kịp thời các hậu quả tệ hại trên thận. Bạn cũng cần chú ý là các thuốc chống đau dùng trong bệnh gút cũng có thể gây độc hại cho thận.
Về phía bác sĩ điều trị:
Một số bác sĩ chưa nhận thức được cơ bản gút là một bệnh lý có diễn biến mạn tính và cần được điều trị lâu dài. Thông thường các bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân khỏi cơn gút cấp coi như đã xong, không quan tâm đến việc điều trị phòng tái phát về sau.
Các tophi đều cần phải mổ để loại bỏ?
Điều này không đúng, vì một số tophi chưa có biến chứng có thể sẽ teo nhỏ nếu việc điều trị giảm acid uric trong máu hiệu quả. Chỉ định mổ khi các tophi có thể gây biến chứng như loét da, hủy xương, quá to ảnh hưởng đến chức năng của chi hay sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị hạ acid uric máu chỉ cần đưa về ngưỡng bình thường dưới 7 mg/dL là đủ?
Có những khuyến cáo mới: cần đưa nồng độ acid uric về dưới 6 mg/dL cho những người không có lắng đọng tinh thể acid uric ở khớp hay chưa có tophi, và dưới 5 mg/dL khi đã có tophi.
Về phía Bảo hiểm y tế:
Các toa thuốc điều trị dự phòng sẽ bị xuất toán nếu bác sĩ ghi cơn gút ổn định và vẫn cho dùng tiếp tục các thuốc hạ acid uric máu và thuốc dự phòng cơn gút tái phát như các thuốc NSAIDs, colchicine hay corticosteroids liều thấp. Thực tế các điều trị này là rất cần thiết.
Những bệnh nhân gút sẽ không được nhận toa thuốc điều trị thời gian dài vì gút vẫn chưa được xếp vào nhóm bệnh mạn tính và có nhiều nguy cơ nếu không được điều trị đến nơi đến chốn.
Gút là bệnh rối loạn chuyển hoá mạn tính và để lại những hậu quả nặng nề nếu điều trị không đúng cách. Chúng ta cần có sự hợp tác thật tốt của cả ba bên gồm bệnh nhân, bác sĩ và bảo hiểm y tế để có thể quản lý bệnh nhân tốt hơn nhằm phòng tránh cho bệnh nhân các nguy cơ như hư khớp, bệnh thận và tim mạch có thể gây tử vong hoặc tàn phế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!