Khi mang thai có nhiều thay đổi lớn trong hệ tim mạch, người mẹ có chức năng tim bình thường hoặc bị bệnh tim nhẹ có thể thích nghi được nhưng với người bị bệnh tim nặng chưa được điều trị tốt thì rất nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Ảnh hưởng đến người mẹ và thai nhi
Khi bị bệnh tim, người mẹ luôn thiếu ôxy và chất dinh dưỡng nên phôi thai kém phát triển trong tử cung, có thể làm sẩy thai hoặc thai chết lưu. Nếu thiếu ôxy kéo dài dẫn đến suy thai. Ngoài ra, các thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đứa trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng, bị tim bẩm sinh do di truyền hoặc giảm lượng máu tới thai do tình trạng suy tim của mẹ. Trẻ sinh ra dễ ốm yếu, chống đỡ kém với môi trường bên ngoài tử cung của người mẹ nên hay bị ngạt, dễ bị viêm phổi, nhiễm khuẩn, suy hô hấp,...
Đối với người mẹ, việc có thai thường làm cho bệnh nặng lên, nếu không được theo dõi chặt chẽ và điều trị tốt, có thể xuất hiện những biến chứng như: rối loạn nhịp tim, huyết khối, tai biến mạch não, suy tim, phù phổi cấp, mất máu sau sinh,…
Thai phụ mắc bệnh tim cần đươc các bác sĩ theo dõi chặt chẽ (Ảnh: Internet)
Người bệnh cần làm gì?
Bệnh tim mạch có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Với nhiều bệnh nhân bị bệnh tim nhẹ ít ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người mẹ khi có thai và sinh đẻ. Nhưng đối với bệnh nhân có bệnh tim nặng, chưa được điều trị tốt trước khi mang thai mà vẫn mang thai thì có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con. Với kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến hiện nay có thể giúp nhiều phụ nữ có thể mang thai và sinh con an toàn. Nhưng người bị bệnh tim muốn có thai hay không, hoặc khi đã có thai thì nên giữ thai để sinh đẻ hay không cần phải được các thầy thuốc sản khoa và tim mạch khám, tư vấn, theo dõi cẩn thận. Việc khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi muốn có thai là rất cần thiết nhằm đánh giá tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi,...
Trong quá trình mang thai, thai phụ có bệnh tim cần lưu ý tới chế độ làm việc, nghỉ ngơi và dinh dưỡng có lợi cho hệ tim mạch theo lời khuyên của bác sĩ. Trong suốt thai kỳ phải luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc sản khoa và tim mạch để điều trị, theo dõi phát hiện nguy cơ tai biến để xử trí kịp thời. Tùy theo tình trạng bệnh của sản phụ, sẽ có những chế độ theo dõi đặc biệt khi sản phụ chuyển dạ và sinh con.
BS. Nguyễn Thị Hoa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!