Ảnh hưởng khôn lường của thủy ngân tới sức khỏe

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/06/2024

Chuyên gia của Hello Bacsi khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của thuỷ ngân tới sức khoẻ và chia sẻ cách giảm thiểu việc tiếp xúc với kim loại độc hại này.

Việc tiếp xúc với thủy ngân, cho dù chỉ là một lượng nhỏ, cũng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của bào thai trong tử cung và ảnh hưởng tới các giai đoạn phát triển sau này của bé. Thủy ngân tác động tiêu cực lên hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch của cơ thể. Nó còn gây hại tới phổi, thận, da và mắt của con người.

Bạn có thể tìm hiểu thêm chúng ta tiếp xúc với thủy ngân như thế nào tại phần trước.

Tiếp xúc thủy ngân ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe con người?

Thủy ngân dạng nguyên tố và methylmercury rất độc hại đối với hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Việc hít phải hơi thủy ngân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, phổi và thận, thậm chí có thể gây tử vong. Muối vô cơ có chứa thủy ngân có thể ăn mòn da, mắt, đường tiêu hóa và có thể gây nhiễm độc thận nếu ăn phải.

Rối loạn thần kinh và hành vi do thủy ngân thường xuất hiện sau khi ta hít, nuốt phải hoặc tiếp xúc bằng da với các hợp chất thủy ngân. Các triệu chứng bao gồm tình trạng run rẩy, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới thần kinh cơ, đau đầu và rối loạn chức năng nhận thức. Khi các công nhân tiếp xúc với thủy ngân trong không khí với mức nồng độ 20 microgam/m3 trở lên trong vòng vài năm, những người này sẽ có các dấu hiệu cận lâm sàng của nhiễm độc hệ thần kinh trung ương nhẹ cùng các ảnh hưởng tiêu cực tới thận như suy thận xảy ra do tăng đạm trong nước tiểu.

Làm thế nào để giảm thiểu việc tiếp xúc với thủy ngân?

Có nhiều cách giúp ngăn ngừa các tác hại của thủy ngân tới sức khỏe con người. Các cách này bao gồm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, ngăn chặn sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng, loại bỏ việc khai thác thủy ngân và các sản phẩm không thiết yếu có chứa thủy ngân.

Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch không đốt than

Đốt than tạo điện và nhiệt là nguồn tạo thủy ngân chủ yếu hiện nay. Than có chứa thủy ngân và các chất gây ô nhiễm không khí độc hại khác. Các chất này được tạo ra khi đốt than tại các nhà máy điện, nồi hơi công nghiệp và bếp trong nhà.

Loại bỏ việc khai thác và sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng và các quy trình công nghiệp khác

Thủy ngân là một nguyên tố không thể bị phá hủy. Vì thế thủy ngân đã qua sử dụng có thể được tái chế để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu khác mà không cần tiếp tục khai thác thủy ngân mới. Việc sử dụng thủy ngân trong các quy trình thủ công và khai thác vàng quy mô nhỏ đặc biệt rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Vì vậy ta cần đẩy mạnh việc sử dụng các kỹ thuật khai thác vàng không dùng thủy ngân. Tại những nơi khai thác vẫn sử dụng thủy ngân, các chủ xí nghiệp cần áp dụng các biện pháp an toàn để ngăn chặn tiếp xúc thủy ngân xảy ra.

Giảm dần việc sử dụng các sản phẩm không thiết yếu có chứa thủy ngân và thực hiện các biện pháp an toàn khi sử dụng các sản phẩm chứa thủy ngân.

Thủy ngân có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, bao gồm:

  • Pin;
  • Thiết bị đo lường, chẳng hạn như nhiệt kế và dụng cụ đo khí áp;
  • Công tắc điện và công tắc chuyển tiếp trong thiết bị;
  • Đèn (bao gồm một số loại bóng đèn);
  • Amalgam dùng để trám răng trong nha khoa;
  • Sản phẩm làm sáng da và các loại mỹ phẩm khác;
  • Dược phẩm.

Tại nhiều nơi, nhiều hành động đang được thực hiện nhằm làm giảm nồng độ thủy ngân trong các sản phẩm hoặc loại bỏ dần các sản phẩm chứa thủy ngân. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhiệt kế và huyết áp kế chứa thủy ngân hiện đang được dần thay thế bởi các thiết bị khác an toàn hơn.

Amalgam – một loại vật liệu trám răng – được sử dụng ở hầu hết các quốc gia. Vào năm 2009, các chuyên gia y tế của WHO đã kết luận rằng việc cấm sử dụng almagam trên toàn cầu sẽ gây ra nhiều vấn đề cho ngành nha khoa. Tuy vậy, chúng ta nên tích cực giảm sử dụng almagam. Đồng thời việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và sử dụng các vật liệu thay thế cho chất này, cũng như nâng cao ý thức cộng đồng về những rủi ro mà việc dùng almagam trong nha khoa mang lại.

Lượng thủy ngân dùng trong một số dược phẩm, chẳng hạn như thiomersal (ethyl thủy ngân) để làm chất bảo quản trong một số vắc xin, rất nhỏ khi đem so sánh với các nguồn thủy ngân khác. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy thiomersal trong vắc xin có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Lượng thủy ngân vô cơ trong một số sản phẩm làm sáng da có nồng độ khá đáng kể, vì thế nhiều quốc gia hiện đã cấm sản xuất và lưu hành các sản phẩm làm sáng da có chứa thủy ngân bởi mức độ gây hại tới sức khỏe của chúng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!