Ảnh hưởng lâu dài của việc cho trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên mà bố mẹ chưa từng biết đến

Làm mẹ - 04/25/2024

Gây hại cho mắt chỉ là một trong những ảnh hưởng tiêu cực trước mắt khi bố mẹ để trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên.

Trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ

Tiến sĩ Catherine Hill, Bệnh viện Nhi Southampton (Anh) khuyên phụ huynh nên thiết lập lịch trình giờ đi ngủ không có 'tiết mục' xem tivi và các thiết bị điện tử, đồng thời động viên trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn.

Những khuyến nghị trên được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hill công bố bản tổng hợp kết quả hơn 30 nghiên cứu về 60.000 trẻ em trên tạp chí Sleep Medicine Reviews. Theo đó, trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ.

Ảnh hưởng lâu dài của việc cho trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên mà bố mẹ chưa từng biết đến

Trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị thiếu ngủ vì xem tivi, điện thoại nhiều (Ảnh minh họa).

Cụ thể, Tiến sĩ Hill cùng các đồng sự tại Đại học Strathclyde phát hiện thấy, thời gian xem màn hình liên quan trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ suy giảm ở trẻ sơ sinh, trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi và trẻ mầm non. Trong khi đó, các hoạt động vui chơi ngoài trời lại liên quan tới khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ.

'Trong khi người ta ngày càng hiểu rõ rằng, giảm hoạt động thể chất và tăng thời gian xem màn hình tác động tiêu cực đến giấc ngủ ở trẻ lớn thì vấn đề tương tự ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi mới chỉ được biết tới rất ít', Tiến sĩ Hill cho biết.

'Đây là bản tổng hợp bằng chứng khoa học đầu tiên về ảnh hưởng của việc xem màn hình điện tử ở trẻ nhỏ. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy mối liên hệ giữa tổng thời gian tiếp xúc với màn hình - đặc biệt là tivi và cụ thể là thời gian xem màn hình vào buổi tối hàng ngày ở mức độ cao với tình trạng ngủ kém ở trẻ sơ sinh, trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi và trẻ mầm non. Trong khi đó, hoạt động thể chất và vui chơi ngoài trời nhiều hơn mang lại lợi ích cải thiện chất lượng giấc ngủ ở nhóm trẻ trên'.

Ảnh hưởng lâu dài của việc cho trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên mà bố mẹ chưa từng biết đến

Xem tivi, điện thoại trước giờ đi ngủ khiến trẻ ngủ kém (Ảnh minh họa).

Giúp trẻ phát triển toàn diện mà 'chẳng mất chi phí nào'

Tiến sĩ Hill, hiện là Phó Giáo sư chuyên ngành sức khỏe trẻ em tại Đại học Southampton, giải thích thêm, kết quả bản tổng hợp trên 'gây áp lực lớn hơn' đối với xã hội và chính phủ trong việc chính thức đưa sức khoẻ giấc ngủ vào chương trình sức khỏe cộng đồng.

Ảnh hưởng lâu dài của việc cho trẻ xem tivi, điện thoại thường xuyên mà bố mẹ chưa từng biết đến

Tiến sĩ Catherine Hill, Bệnh viện Nhi Southampton (Anh)

Ngủ đủ giấc đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thời gian ngủ ngắn trong những năm đầu đời liên quan tới nguy cơ béo phì sau này và tác động lên sự phát triển não bộ giai đoạn đầu

Tiến sĩ Hill nhấn mạnh: 'Lần đầu tiên chúng ta đã chỉ ra được một cách toàn diện rằng, giấc ngủ của trẻ nhỏ có mối liên hệ với thời gian xem màn hình điện tử quá nhiều cũng như thời gian dành cho các hoạt động vui chơi ngoài trời quá ít.

Các hoạt động vui chơi ngoài trời lành mạnh và việc không xem các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ mang lại lợi ích tốt nhất có thể cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Chẳng mất chi phí nào cả để làm như vậy. Do đó, không có lý do gì để không bắt tay vào thực hiện ngay những biện pháp trên'.

Trẻ cần ngủ bao nhiêu là đủ và chuyện gì xảy ra nếu trẻ ngủ không đủ?

Theo Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh NHS, trẻ dưới 17 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng mỗi đêm, tùy vào từng độ tuổi cụ thể:

Trẻ mới sinh: 8,5 giờ/đêm (Lưu ý: thời gian ngủ ngày của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiều).

Trẻ 3 tuổi: 12 giờ/đêm, trung bình cứ mỗi tuổi tăng thêm 1 giờ ngủ.

Trẻ 5 tuổi: 11 giờ/đêm.

Trẻ 9 tuổi: 10 giờ/đêm.

Trẻ 14, 15, 16 tuổi: 9 giờ/đêm.

Trẻ trên 16 tuổi và người trưởng thành nên đảm bảo ngủ đủ 7-9 tiếng/đêm.

Không ngủ đủ khi còn nhỏ có thể tác động tiêu cực tới quá trình lớn lên của trẻ bởi giấc ngủ là thời gian cơ thể nghỉ ngơi, điều chỉnh và thực hiện phần lớn quá trình phát triển.

Thiếu ngủ còn có thể khiến trẻ không thể tập trung tại trường, đồng thời dẫn tới những hệ quả xấu đối với phần còn lại của cơ thể, khiến trẻ tăng nguy cơ bị béo phì hoặc tiểu đường khi trưởng thành.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!