Bác sỹ mách cha mẹ cách 'bắt bệnh' đường hô hấp của trẻ qua... nhịp thở

Làm mẹ - 11/24/2024

Bình thường chúng ta không nghe thấy tiếng thở vào hoặc thở ra của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ mắc các bệnh ở đường hô hấp, một số tiếng thở bất thường sẽ xuất hiện.

Theo các bác sĩ, căn cứ vào tiếng thở của trẻ, bố mẹ có thể phát hiện sớm các bệnh ở đường hô hấp của con. 

Thở nhanh: Ðược đánh giá là dấu hiệu lâm sàng quan trọng nhất trong chẩn đoán viêm phổi ở trẻ nhỏ. Theo BS Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, để phát hiện thở nhanh ở trẻ, phải đếm nhịp thở trẻ trong vòng một phút.

Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, thở nhanh là khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.

Bác sỹ mách cha mẹ cách 'bắt bệnh' đường hô hấp của trẻ qua... nhịp thở

Nhịp thở thay đổi cảnh báo hệ hô hấp của trẻ đang gặp vấn đề. Ảnh minh họa

Để đếm nhịp thở của trẻ một cách chính xác, bố mẹ nên ngồi ôm trẻ vào lòng, giữ trẻ ở trạng thái yên tĩnh, không kích thích, không để quấy khóc. Vén áo trẻ lên cho phần bụng và phần ngực được hở ra. Nhìn vào bụng hoặc ngực của trẻ để đếm. Mỗi lần trẻ hít vào và thở ra một nhịp. Dùng đồng hồ bấm giây để đếm. Nếu trẻ thở nhanh, nghĩa là trẻ đã bị viêm phổi.

Thở rút lõm lồng ngực: Bên cạnh thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực cũng là dấu hiệu nguy hiểm xuất hiện khi trẻ bị viêm phổi. Khi thở, cánh mũi trẻ phập phồng, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.

Thở rên:Là tiếng thở ngắn, phát ra ở thì thở ra, có thể nghe được khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ. Tiếng thở này thường gặp ở các trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng. Khi đó, phổi của trẻ thường có xu thể xẹp lại. Để chống lại xẹp phổi, trẻ cố gắng giữ lại thêm thể tích cặn chức năng bằng cách đóng nắp thanh quản lại ở cuối thì thở ra.

Thở rít: Là tiếng thở phát ra ở thì thở vào, có thể nghe được bằng tai khi quan sát trẻ thở. Tiếng thở này gặp trong các bệnh có hẹp đường thở trên, đoạn phía ngoài lồng ngực gây ra do các bệnh như: Viêm thanh quản, mềm sụn thanh quản, dị vật đường thở…

Thở khò khè: Là tiếng thở phát ra ở thì thở ra, có thể nghe được bằng tai khi ta ghé sát tai vào miệng trẻ. Tiếng thở này là do tắc nghẽn ở đường hô hấp dưới, từ phế quản trở xuống, thường gặp trong các bệnh viêm tiểu phế quản, hen, các khối u hoặc dị dạng mạch máu lớn chèn ép vào phế quản. 

Thở khụt khịt: Xuất hiện khi trẻ bị ứ đọng đờm dãi ở mũi họng. Tiếng thở này thường phát ra ở cả hai thì thở ra và thở vào và sẽ mất đi khi trẻ được hút sạch dịch ở mũi họng.

Ngưng thở khi ngủ: Là tình trạng trẻ bị ngừng thở từ 10-15 giây sau đó tiếp tục thở. Nguyên nhân là do trẻ gặp bất thường ở vùng tai mũi họng. Bên cạnh đó, những đối tượng thừa cân béo phì, lười vận động, hay sử dụng thức ăn nhanh cũng dễ bị ngưng thở khi ngủ.

Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, nhất là khi thời tiết thay đổi, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: Bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc; không nên cho trẻ nằm phòng điều hòa quá lạnh, tránh cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.

Bên cạnh đó, đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể cho trẻ khi đi đường. Giữ ấm vùng cổ khi ngủ vào mùa lạnh để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.

Ngoài ra, đảm bảo cho trẻ môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người đồng thời bổ sung chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!