Răng bị đen có thể là dấu hiệu của sâu răng hoặc các vấn đề sức khỏe răng miệng tiềm ẩn cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Đôi khi, răng chuyển màu lại do các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau.
Màu trắng tự nhiên của răng là từ lượng canxi ở lớp ngoài của răng, được gọi là men răng. Theo thời gian, các yếu tố nguy cơ gây hại cho răng tích tụ làm cho răng chuyển màu. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách ngăn ngừa răng bị đen nhé!
Nguyên nhân khiến răng bị đen
Răng bị đen có thể do các tác nhân từ bên ngoài hoặc các nguyên nhân từ bên trong cơ thể.
Nguyên nhân từ bên ngoài
Những nguyên nhân khiến răng bị đen từ bên ngoài có thể bao gồm:
- Tổn thương men răng
- Răng có vết ố
- Tích tụ vôi răng
Một số nguyên nhân gây răng bị đen trực tiếp gồm:
- Do sử dụng thuốc lá
- Do dùng một số loại thuốc, ví dụ như sắt bổ sung dạng lỏng
- Do một số loại nước súc miệng và kem đánh răng làm hư men răng
- Trám răng có chứa hỗn hợp bạc sulfide, có thể làm cho răng xuất hiện màu đen
- Thường xuyên ăn hoặc uống những loại thức ăn nước uống có màu tối như cà phê
Nguyên nhân từ bên trong
Răng bị đen có thể do hư hại từ bên trong. Các thủ phạm phổ biến nhất trong những trường hợp này là sâu răng. Ngoài ra, nhiễm trùng tủy răng hoặc răng chết cũng có thể khiến răng thành màu đen.
Tổn thương bắt đầu từ bên trong và lan dần ra bề mặt răng. Nếu bạn không điều trị, màu đen trên răng tuy ít nhưng dần sẽ lan ra toàn bộ răng. Hầu hết các nguyên nhân cơ bản khiến răng bị đen đòi hỏi sự chăm sóc của nha sĩ để điều trị hợp lý.
Triệu chứng răng bị đen
Răng không thay đổi nhanh chóng từ màu trắng sang đen. Bạn sẽ thường nhận thấy một số dấu hiệu khác trước khi răng bắt đầu chuyển sang màu đen.
Trong một số trường hợp, một chấm nâu hoặc xám có thể xuất hiện trên răng. Theo thời gian, những đốm nâu có thể chuyển sang màu đen. Hoặc cũng có trường hợp răng ban đầu có các chấm nhỏ màu đen. Những chấm nhỏ này thường xuất hiện gần nướu, vị trí phổ biến ở trẻ em có răng bị đen.
Nếu cao răng là nguyên nhân làm răng bị đen, bạn có thể sẽ nhận thấy màu đen ở bên ngoài răng hàm hoặc bên trong răng cửa. Cao răng sẽ tiếp tục tạo nên các vết bẩn nếu không được loại bỏ.
Điều trị răng bị đen
Bạn thường không thể điều trị răng bị đen tại nhà mà cần tới nha sĩ để điều trị hiệu quả hơn. Việc sử dụng một số bộ dụng cụ làm trắng tại nhà có thể giúp răng bạn giảm sự đổi màu một chút nhưng chỉ có nha sĩ mới có thể điều trị hoàn toàn việc răng bị đen. Bạn hãy đến thăm khám tại nha khoa để chẩn đoán nguyên nhân cơ bản và sau đó sẽ xác định điều trị đúng cách.
Trường hợp răng bị đen do cao răng, nha sĩ sẽ loại bỏ sự tích tụ cao răng bằng cách cạo cao răng ra khỏi răng. Nha sĩ có thể cần phải sử dụng các dụng cụ phát ra sóng siêu âm sử dụng rung động để phá vỡ các cao răng và làm cho cao răng dễ dàng bị loại bỏ hơn.
Trong trường hợp bạn bị sâu răng, nha sĩ có thể có các phương pháp làm sạch hoặc cũng có thể phải loại bỏ phần răng bị sâu. Nha sĩ sẽ loại bỏ phần bị ảnh hưởng và đóng lỗ sâu bằng cách trám răng.
Nếu tình trạng sâu răng đã đến lớp răng thứ hai, sau khi loại bỏ vùng răng sâu, nha sĩ sẽ đặt bọc răng trên răng của bạn. Đôi khi, răng có thể bị hư hại quá nặng để làm bọc răng hay trám răng, nha sĩ có thể cần phải loại bỏ chiếc răng hỏng đó.
Cách phòng tránh răng bị đen
Bạn có thể phòng tránh răng bị đen bằng cách vệ sinh răng miệng phù hợp. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (The American Dental Association – ADA) khuyến cáo bạn nên:
- Tránh thức ăn có đường
- Lên lịch khám răng định kỳ
- Đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có fluor.
- Làm sạch hoặc dùng chỉ nha khoa để vệ sinh các răng ít nhất một lần một ngày
Bạn nên đảm bảo thực hành vệ sinh răng đúng cách và tránh hoặc giảm việc dùng:
- Cola
- Cà phê
- Trà đen
- Thuốc lá
- Rượu vang đỏ
Có thói quen vệ sinh răng miệng tốt thường có thể giúp bạn chống lại các nguyên nhân tiềm ẩn bên ngoài khiến răng bị đen. Tuy nhiên, nếu răng đã bắt đầu bị đen thì bạn nên đến gặp nha sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Đi khám nha sĩ là cách tốt nhất để giúp bạn xác định xem răng bị đen xuất phát từ nguyên nhân nào. Nguyên nhân có thể từ thức ăn đồ uống, tích tụ cao răng hay sâu răng… Sau khi điều trị nguyên nhân và chăm sóc răng hợp lý, bạn sẽ cải thiện được tình trạng răng bị đen ngay thôi.
Thanh Tùng | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sự thật bất ngờ về sâu răng ở trẻ và cách phòng ngừa hiệu quả
- 3 bí quyết giúp ngừa sâu răng cho bé trong mùa Giáng sinh
- Bí mật ăn uống thoải mái mà không sâu răng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!