Bàn chải đánh răng là vật dụng cần thiết mà chúng ta cần dùng mỗi ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách bảo quản đúng cách thì bàn chải đánh răng sẽ trở thành là tác nhân gây nên các vấn đề cho răng miệng cũng như nướu.
Vậy thực hư điều này là như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Các chuyên gia nha khoa cho biết nếu miệng của bạn đang bị nhiễm trùng, các loại virus và vi khuẩn có thể tồn tại trên bề mặt lông bàn chải đánh răng trong vòng vài tuần và lại tiếp tục gây bệnh. Thậm chí, các loại khuẩn vi sinh khỏe mạnh bình thường sống trên lông bàn chải cũng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng, đặc biệt là khi chúng “xâm nhập” vào các mô nướu thông qua kẽ hở, vết rách do chấn thương, va đập hay viêm loét miệng.
Để đảm bảo sức khỏe răng miệng, bạn nên lưu ý 3 biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn cùng virus tích tụ trên lông bàn chải đánh răng sau đây:
Vệ sinh bàn chải thường xuyên
Thông thường, bạn có thể không nghĩ đến việc làm vệ sinh bàn chải bởi vì mỗi ngày bạn đều rửa nó cùng với nước trước mỗi khi chải răng. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng việc vệ sinh bàn chải thường xuyên là điều cực kỳ quan trọng để giúp bàn chải luôn sạch sẽ!
1. Cọ rửa bàn chải: Bạn nên chà rửa bàn chải đánh răng dưới vòi nước sạch trong vòng 1–2 phút để loại bỏ mảng bám sau khi đánh răng. Nếu bạn đang mắc một hội chứng rối loạn miễn dịch, sau khi rửa bàn chải cùng nước, bạn nên ngâm bàn chải vào trong dung dịch nước súc miệng diệt khuẩn trong vòng vài phút.
2. Làm sạch sâu bàn chải: Hiện nay, tại các siêu thị, bạn có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm tiệt trùng bàn chải đánh răng. Tốt hơn hết là bạn nên chọn các dụng cụ có tích hợp chức năng diệt khuẩn bàn chải bằng tia cực tím để loại bỏ các khuẩn vi sinh gây hại tốt hơn.
3. Bảo quản bàn chải đúng cách: Sau mỗi lần chải răng, bạn không nên cất bàn chải còn ướt trong tủ thuốc, ngăn kéo hoặc ly súc miệng cùng các bàn chải khô khác. Hãy đặt bàn chải ở nơi khô ráo và thoáng mát (trên giá hoặc móc treo bàn chải riêng) để tránh ẩm mốc và ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn sinh sôi.
Thay bàn chải định kỳ
Bạn nên thay bàn chải thường xuyên mỗi 3–4 tháng hoặc khi bạn thấy bàn chải bị mòn. Khi các sợi lông bàn chải bị sờn, chúng sẽ khó có thể làm sạch các kẽ răng và nướu một cách chính xác.
Không dùng chung bàn chải
Hãy lưu ý điều này: Bàn chải đánh răng là vật dụng cá nhân. Do đó, bạn không nên chia sẻ hoặc cho bất kỳ ai mượn dùng bàn chải của mình, kể cả đối với người thân yêu hoặc các thành viên trong gia đình. Việc dùng chung bàn chải có thể gây truyền nhiễm vi khuẩn cùng nước bọt, thậm chí dẫn đến sâu răng. Sâu răng cũng thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, đây cũng là một lý do khác khiến bạn không nên dùng chung bàn chải.
Bàn chải đánh răng hóa ra chẳng sạch như bạn vẫn nghĩ, thế nên đừng quên vệ sinh mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe bạn nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tưởng dùng bàn chải đánh răng quá dễ nhưng thật ra…
- Đừng phớt lờ nguy cơ nhiễm bệnh từ bàn chải đánh răng!
- Đâu là loại bàn chải đánh răng phù hợp với bạn?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!