Bạn đã biết hội chứng bỏng rát miệng là gì?

Chăm sóc răng miệng - 11/24/2024

Đừng chủ quan với chứng bỏng rát miệng. Nếu hiện tượng ngày càng khó chịu, hãy đọc 5 cách giảm bỏng rát miệng từ Hello Bacsi và thời điểm cần gặp bác sĩ. 

Hội chứng bỏng rát miệng là một tình trạng khá phổ biến với những đặc điểm đặc trưng như cảm giác bất thường ở niêm mạc miệng hoặc cảm thấy như bị bỏng ở miệng. Thông thường, bạn có thể cảm nhận được những điều nêu trên ở phần trước miệng, mặt trong của môi, vòm miệng trên, ở hai bên hoặc trên đầu lưỡi. Trong vài trường hợp, hội chứng chỉ ảnh hưởng đến lưỡi. Vị giác của bạn có thể bị suy giảm hoặc thay đổi khẩu vị (cảm thấy thức ăn đắng hoặc mặn hơn). Một vài người khác sẽ thấy khô miệng hoặc cảm giác dinh dính ở miệng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình thái thành miệng (niêm mạc) vẫn bình thường.

Thời điểm nào cảm thấy bỏng rát trong miệng?

Bạn có khả năng bị hội chứng bỏng rát miệng khi bước vào giai đoạn sau mãn kinh. Khi đó, có thể bạn sẽ cảm thấy nóng trên lưỡi, vòm miệng, môi, nướu hoặc bên trong má của bạn.

Đối với một số người, cảm giác nóng có thể bắt đầu vào buổi sáng, tăng cao nhất vào buổi trưa chiều và giảm bớt vào ban đêm. Một vài người thì lúc nào cũng cảm thấy nóng. Một số khác thì cơn đau đến rồi đi. Các triệu chứng khác bao gồm: tê hay ngứa ran trong miệng hoặc lưỡi, miệng cảm thấy đắng hoặc có vị kim loại, miệng khô và đau. Hội chứng bỏng rát miệng có thể khiến bạn cảm thấy như bị bỏng vì dùng thức ăn hoặc thức uống nóng.

Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn nên làm gì tại nhà để giảm bớt sự khó chịu do bỏng rát miệng?

Dưới đây là một số bí quyết bạn có thể áp dụng để giảm cơn bỏng rát miệng:

  • Uống nước thường xuyên;
  • Mút đá vụn;
  • Nhai kẹo cao su không đường sẽ giúp bạn tạo ra nhiều nước bọt, giúp ngăn chặn khô miệng;
  • Tránh những thực phẩm gây kích ứng miệng, chẳng hạn như thức ăn nóng và cay, nước súc miệng có chứa cồn hoặc trái cây chua và các loại nước ép có vị chua;
  • Tránh dùng các sản phẩm từ thuốc lá và rượu.

Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?

Bạn nên bắt đầu gặp bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn cảm thấy khó chịu trong miệng. Bởi vì hội chứng bỏng rát miệng thường đi kèm với một loạt các bệnh khác, bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa khác, chẳng hạn như bác sĩ chuyên về da (bác sĩ da liễu), bác sĩ chuyên về tai, mũi và cổ họng (bác sĩ tai mũi họng).

Ban đầu, các nha sĩ sẽ thử tìm xem liệu nguyên nhân có liên quan đến răng (như vấn đề về răng giả) hoặc “khô miệng” có gây ra bệnh bỏng rát miệng ở bạn hay không. Nếu là có, nha sĩ sẽ kiểm tra sự tương thích của hàm răng giả và xem liệu bạn có bị dị ứng với các vật liệu trong răng giả không. Nha sĩ cũng có thể tư vấn cho bạn về các loại thuốc hoặc sản phẩm để giảm bớt khô miệng hoặc để điều trị các dạng nhiễm trùng trong miệng.

Nếu không thể tìm ra nguyên nhân, nha sĩ có thể đề nghị bạn đến gặp những bác sĩ thuộc các chuyên môn khác. Bạn có thể được xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng bỏng rát miệng.

Bạn nên phòng ngừa hội chứng bỏng rát miệng như thế nào?

Không có cách cụ thể nào để ngăn ngừa tuyệt đối hội chứng bỏng rát miệng. Nhưng bằng cách tránh thuốc lá, các loại thực phẩm có tính axit, các loại thực phẩm nhiều gia vị và đồ uống có ga cũng như tránh tình trạng căng thẳng quá mức, bạn có thể giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa diễn tiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!