Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em: Nạn nhân cần dũng cảm tố cáo thủ phạm

Nuôi dạy con - 04/19/2024

Trăn trở về những vụ án xâm hại trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, vấn đề chứng cứ là điều cần được lưu tâm. Để có thể xử lý những hành động xâm hại trẻ theo đúng pháp luật, trẻ cần mạnh dạn nói với gia đình, mạnh dạn tố cáo khi bị người khác xâm hại.

Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em: Nạn nhân cần dũng cảm tố cáo thủ phạm

Các em được hướng dẫn một số cách phòng vệ đơn giản và hiệu quả

Sáng 8/4, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã diễn ra buổi sinh hoạt ngoại khóa - Tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không”.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ và khoảng 2.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) đã phần nào giúp các em học sinh nhận thức rõ hơn về mối nguy hại cũng như cách điều chỉnh hành vi của mình.

Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em thực ra không phải là vấn đề mới, nhưng lại rất “nóng” trong thời gian vừa qua bởi có quá nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra với hậu quả ngày càng nặng nề.

Đỉnh điểm là vụ bé gái bị người đàn ông sàm sỡ trong thang máy tại quận 4 TPHCM và nữ sinh lớp 9 tại Hưng Yên bị bạn học đánh đập dã man, lột quần áo ngay trên lớp.

Theo thống kê năm 2018, toàn quốc phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra tại trường học. Và cứ 4 em gái và 6 em trai thì có 1 bé từng là nạn nhân của xâm hại tình dục.

Thực trạng này đã đến mức báo động, đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần, gây nên mặc cảm tự ti trước người đối diện.

Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em: Nạn nhân cần dũng cảm tố cáo thủ phạm

Các em học sinh đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến bạo lực và xâm hại trẻ em

Phân tích những lý do của bạo lưc học đường, dâm ô trẻ em, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (giảng viên ĐH An ninh nhân dân) cho rằng, thời gian gần đây, những hành vi bạo lực học đường hay xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man; việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.

Theo thiếu tá Lâm, hiện nay, trẻ em thật sự đang thiếu sự trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục của trẻ.

Bên cạnh đó, còn có sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn. Công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường.

Nhìn nhận về vấn đề xâm hại trẻ em, thiếu tá Lâm cho biết: “Trẻ em là nhóm xã hội yếu thế, dường như không có khả năng chống cự khi bị xâm hại. Trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa “yêu thương”, “cưng nựng” với 'dâm ô', 'xâm hại tình dục”.

Sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu. Thậm chí nhiều nhà trường còn bưng bít, bao che vì sợ mất thi đua, mất thành tích.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng, quan niệm chỉ trẻ em nữ mới bị xâm hại là hoàn toàn không chính xác. Trẻ em nam hay nữ, dù ở độ tuổi nào thì cũng đều có nguy cơ bị xâm hại.

Luật sư Nữ nhấn mạnh: “Cơ thể là của các em, không ai được phép xâm hại. Do đó, nếu trẻ bị bất kỳ ai đụng vào khi không được cho phép đều được xem là tội ác”.

Trăn trở về những vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Nữ cho rằng, vấn đề chứng cứ là điều cần được lưu tâm. Để có thể xử lý những hành động xâm hại trẻ theo đúng pháp luật, trẻ cần mạnh dạn nói với gia đình, mạnh dạn tố cáo khi bị người khác xâm hại.

“Các em phải hiểu rằng, việc nói ra vấn đề này không chỉ giúp đỡ chính bản thân các em, mà còn là giúp đỡ những người khác”, luật sư Nữ giải thích.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (giảng viên môn Tâm lý y học ĐH Y dược TPHCM) nhấn mạnh, tổn thương tinh thần là không thể cân đong đo đếm. Nhiều người vượt qua được nhưng cũng có không ít người bị ám ảnh suốt cuộc đời. Điều này đã gây nên những hậu quả nguy hại như stress sau sang chấn, trầm cảm, lo âu, ám ảnh…

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TPHCM, bạo lực học đường và dâm ô không phải là mới nhưng đang rất nóng lên trong thời gian gần đây.

Ông Thắng cho biết, hành lang pháp lý hiện nay khá đầy đủ nhưng rõ ràng rất nhiều người không nắm được, bản thân các em học sinh còn chưa đọc các điều khoản về Quyền trẻ em thì làm sao biết mình có quyền gì, được bảo vệ như thế nào?

Vì thế, công tác truyền thông, tuyên truyền phải được đặc biệt lưu ý. Bên cạnh đó, luật pháp cũng đã đến lúc phải rõ ràng hơn trong việc phân biệt thế nào là “cưng nựng” và thế nào là “dâm ô”, bởi ranh giới giữa hai khái niệm này rất mong manh và dễ bị tráo đổi để chạy tội.

Tại buổi tọa đàm, các em học sinh đã đặt khá nhiều câu hỏi liên quan đến phòng vệ chính đáng khi bị xâm hại, bạo lực hoặc các biểu hiện của xâm hại tình dục cũng như khung hình phạt.

Ngoài ra, các em còn được võ sư Trần Trung Sơn, HLV trưởng môn Muay Thái hướng dẫn những cách phòng vệ cơ bản và đơn giản khi bị tấn công hoặc sàm sỡ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!