Bảo vệ tầng ô-zôn hay tự tay hủy hoại sự sống?!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bảo vệ môi trường luôn là một vấn đề nóng đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới đồng lòng giải quyết.

Năm 1994, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 16/9 hằng năm là Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-zôn với ý nghĩa kêu gọi các quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, góp phần bảo vệ tầng khí quyển và sự sống trên Trái đất.

Vai trò của tầng ô-zôn

Tầng ô-zôn là một lớp không khí trên bề mặt khí quyển trái đất, nơi tập trung một lượng lớn khí ô-zôn (O3). Tầng khí quyển này hấp thụ 93-99% tia cực tím có hại từ mặt trời. Nếu không có sự cản trở các tia bức xạ của tầng ô-zôn, con người có thể dễ dàng bị mắc các bệnh ung thư da, bệnh đục thủy tinh thể, biến đổi gen, mất cân bằng sinh thái… Tầng ô-zôn được coi là tấm lá chắn bảo vệ con người và sự sống trên mặt đất khỏi tác hại từ các tia cực tím.

Con người đang phá hủy tầng ô-zôn

Lỗ thủng tầng ô-zôn được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1987 ở Nam Cực, gây chấn động và lo ngại toàn cầu về môi trường và sức khỏe con người.

Bảo vệ tầng ô-zôn hay tự tay hủy hoại sự sống?!

Lỗ thủng tầng ôzôn

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thủng tầng ô-zôn là sự gia tăng các hợp chất hóa học như CFC, HCFC, HFC (các loại hóa chất được sử dụng trong cơ chế làm lạnh của thiết bị điều hòa, máy lạnh, chất tẩy công nghiệp,…) trong không khí. Ngoài ra, nền công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, khói bụi và các khí thải công nghiệp như NOx, SO2, CO2,… cũng là nguyên nhân phá hoại tầng ô-zôn.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2012, Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất các hóa chất phá hoại tầng ô-zôn (HCFC) trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nước sản xuất hầu hết các thiết bị tủ lạnh, điều hòa không khí, thông gió và sưởi ấm cùng với lượng sử dụng HCFC tăng nhanh nhất thế giới.

Trong vòng 50 năm gần đây, lượng ô-zôn mỏng đi khoảng 1%, một số nơi có hiện tượng thủng tầng ô-zôn và gây ra không ít hiện tượng như bão lụt, hạn hán, cháy rừng, làm mất cân bằng hệ sinh thái, giảm chất lượng không khí, gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, sức khỏe con người ngày càng suy giảm như hiện nay. Các tia cực tím được chứng minh là một yếu tố tạo thành các khối u ác tính dẫn đến ung thư da.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn tích cực, đến năm 2100, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 6,4 độ C, mực nước biển sẽ dâng cao hơn 59cm, băng ở địa cực sẽ tan chảy. Các đợt sóng nhiệt, mưa dông và mực nước biển tăng cao kèm theo những cơn gió lốc xoáy, gió bão sẽ ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Bảo vệ tầng ô-zôn hay tự tay hủy hoại sự sống?!

Sự phát triển của công nghiệp 'đầu độc' bầu khí quyển nghiêm trọng

Những nỗ lực bảo vệ tầng ô-zôn

Nhờ nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế, sau nhiều thập niên bị hủy hoại, mặc dù lỗ thủng tầng ô-zôn trên bầu trời Nam Cực vẫn không ngừng rộng ra, nhưng toàn bộ tầng ô-zôn của Trái đất đang có dấu hiệu phục hồi.

Không thể phủ nhận nỗ lực hợp tác toàn cầu trong việc bảo vệ tầng ô-zôn, nhưng sự phá hủy tầng ô-zôn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện khác. Mặc dù, nhân loại đã đạt được những tiến bộ trong việc giảm mạnh sản xuất và tiêu thụ các hóa chất gây hại tầng ô-zôn nhưng các hóa chất này vẫn tồn tại trong khí quyển kéo dài vài thập kỷ. Hơn nữa, hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu hiện nay vẫn đang là thách thức mà thế giới phải đối mặt.

Nếu tiếp tục tàn phá khí quyển…

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Năm 2015 được xem là năm nắng nóng kỷ lục cùng với nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. El Nino đã gây ra những hiện tường thời tiết cực đoan trên toàn thế giới như mưa bão, lụt lội và hanh khô. Tính đến nay, đã có 5 cơn siêu bão trong năm 2015 so với 1 cơn vào thời điểm này hàng năm. Các nước châu Á là nơi hứng chịu những nặng nề nhất các tác động của hiện tượng El Nino với đợt nắng nóng lịch sử kéo dài gây chết hàng nghìn người ở Ấn Độ và Pakistan, hạn hán lan rộng ở Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Nồng độ CO2 trong khí quyển không ngừng gia tăng chủ yếu là do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, khí thải, chất thải công nghiệp và nông nghiệp dẫn đến ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sự sống trên trái đất sẽ bị đe dọa nếu con người tiếp tục tàn phá bầu khí quyển.

Bảo vệ tầng ô-zôn hay tự tay hủy hoại sự sống?!

Bảo vệ tầng ô-zôn hoặc hủy hoại sự sống của chính mình!

Làm gì để ngăn chặn sự suy thoái của tầng ô-zôn và bảo vệ bầu khí quyển?

Bảo vệ môi trường luôn là một vấn đề nóng đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới đồng lòng giải quyết. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề dễ dàng, nhất là khi tốc độ phát triển nền văn minh nhân loại tỷ lệ thuận với việc môi trường bị tàn phá. Có không ít biện pháp được đưa ra nhưng để thực hiện được lại phụ thuộc vào ý thức của con người với môi trường tự nhiên.

- Sử dụng các dạng năng lượng sạch thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển…

- Xử lý ô nhiễm trong các khu công nghiệp, nhà máy, trong từng công đoạn sản xuất để giảm thiểu các loại khói bụi và khí độc hại thải vào bầu khí quyển.

- Tự bảo vệ mình tránh khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng việc chắn da, đeo kính râm, đội mũ nón khi đi ra ngoài nắng.

- Giảm ô nhiễm không khí do xe cộ và các thiết bị khác xả khí thải vào môi trường.

- Sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước trong sinh hoạt và làm việc.

- Tận dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng cường đi xe đạp hoặc đi bộ hơn là dùng xe máy cá nhân nếu có thể.

- Khi mua các sản phẩm gia dụng, nhất là các loại dùng trong bình xịt, lựa chọn sản phẩm ghi trên nhãn 'không có CFC' (lớp hóa chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh, điều hòa không khí).

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!