Trước khi bé Bi Bon chào đời, ngày nào chị Dung Trần (27 tuổi, Hà Nội) cũng tìm hiểu những thông tin về cách chăm sóc bé sơ sinh ở xung quanh mình, từ những kinh nghiệm ‘truyền miệng’ của người thân trong gia đình tới sách báo, Internet... Vì thế khi Bi Bon ra đời, ít nhiều chị cũng rất tự tin trong việc chăm con.
Chăm con khi thời tiết chuyển mùa là một trong những thế mạnh mà chị muốn chia sẻ.
Bi Bon mới hơn 3 tháng tuổi, chị biết, hệ miễn dịch của con trong giai đoạn này còn rất non yếu, nhất là trong những thời điểm giao mùa như hiện nay.
Thời tiết ban ngày thường nóng nhưng đến chiều tối không khí lại se lạnh, độ ẩm tăng cao, đây cũng là thời điểm thuận lợi để nhiều loại vi-rút, vi khuẩn phát triển mạnh khiến nhiều trẻ em bị mệt.
Một số bệnh mà trẻ thường gặp phải trong thời tiết chuyển mùa hiện nay như ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt, viêm họng...
Chị lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho Bi Bon rất cụ thể.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Củng cố hệ miễn dịch cho con là điều mà chị đặt lên hàng đầu vì có hệ miễn dịch khỏe mạnh, Bi Bon sẽ tự mình ‘đấu tranh’ với mầm bệnh. Sữa mẹ giúp bé ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp và tránh bệnh đường ruột. Vì thế, chị đặc biệt lưu ý đến chất lượng sữa mẹ mà bé bú hàng ngày.
Hệ miễn dịch là hàng rào tự nhiên bảo vệ cơ thể của bé chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn, vi-rút có hại cho sức khỏe. Sữa mẹ chứa tất cả các dưỡng chất, kháng thể tốt như chất đạm, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng mà bé cần để phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, chị cho rằng: ‘Thực đơn ăn uống của người mẹ càng đa dạng, phong phú bao nhiêu thì chất lượng sữa dành cho con sẽ càng tốt bấy nhiêu’.
Hàm lượng của sữa mẹ thích ứng một cách chính xác với nhu cầu của bé trong suốt quá trình phát triển.
Chị Dung cho biết: ‘Khi cho bé bú mẹ, nghĩa là người mẹ đã chia sẻ với bé một phần hệ miễn dịch của mình thông qua các kháng thể có trong sữa. Đây là điều tuyệt vời cho bé vì hệ thống phòng vệ tự nhiên của bé chưa hoàn thiện và chưa kịp thích nghi khi mới sinh’.
Với chị, nuôi con bằng sữa mẹ là một bước cần thiết cho sự phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bé ngay từ những ngày đầu tiên sau khi bé được sinh ra.
Để củng cố chất lượng sữa mẹ, hàng ngày, chị uống nhiều nước ấm, thực đơn ăn uống đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như protein (trứng, thịt, cá…), mỡ (mỡ cá, dầu thực vật), canxi (sữa, sữa chua, phô mai)...
Giữ ấm cho bé nhưng vẫn phải thoáng
Dù bây giờ không còn những đợt lạnh như mùa Đông vừa rồi nhưng bé vẫn cần giữ ấm cơ thể nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Chị thường mặc ấm cho bé bằng 2, 3 cái áo mỏng và thường xuyên kiểm tra lưng bé để có thể lau mồ hôi kịp thời, không để bé bị nhiễm lạnh do mồ hôi gây ra.
Khi đi ra khỏi nhà, chị luôn ‘trang bị’ cho bé áo ấm, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân, khẩu trang, mũ ấm. Bi Bon ‘trộm vía’ ngủ rất ngoan không ọ ẹ dậy quấy khóc nhưng bé có một ‘tật xấu’ là hay đá tung chăn màn, vì vậy hàng đêm chị vẫn thường phải dậy để đắp chăn cho bé, điều này giúp bé tránh bị cảm lạnh trong khi ngủ do không đủ ấm.
Với những bé lớn hơn, trong ngày chuyển mùa, cha mẹ có thể vài hôm mới cho bé tắm 1 lần nhưng Bi Bon mới được 3 tháng tuổi nên việc tắm táp rất quan trọng và cần tiến hành thường xuyên. Bởi ở độ tuổi này, nếu bé không được tắm rửa sạch sẽ, bé sẽ rất khó chịu, mệt mỏi và bức bối.
Chị thường tắm cho bé lúc 10 giờ 30 sáng, theo chị, lúc này thời tiết có vẻ ấm áp nhất trong ngày. Chị tắm cho bé sạch và nhanh, sau khi tắm xong đặt bé vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng và thay nhanh quần áo cho bé.
Một việc cũng hết sức quan trọng nữa là hàng ngày chị thường xuyên nhỏ mũi cho con bằng dung dịch nước muối sinh lý để làm sạch mũi, hạn chế bụi và vi sinh vật bám vào niêm mạc mũi họng.
Tóm lại, khi chăm sóc bé bằng những bí quyết trên, ‘trộm vía’ Bi Bon rất ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Các mẹ có bí quyết nào chăm con khỏe khi thời tiết giao mùa thì chia sẻ cùng mẹ Bi Bon để tích lũy thêm kinh nghiệm nhé!
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!