Bé gái 6 tuổi tử vong do mắc bệnh cúm mùa, biến chứng viêm phổi và những con số đáng báo động trong mùa cúm năm nay.
Mùa đông lạnh với nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí thấp luôn là điều kiện thuận lợi giúp cho virus cúm sinh sôi, phát triển và gây bệnh cúm mùa ở người. Trẻ em chính là đối tượng dễ bị nhiễm cúm nhất do sức đề kháng còn non yếu, cộng thêm các yếu tố như môi trường ô nhiễm, ẩm thấp, trẻ tiếp xúc với mầm bệnh càng dễ lây truyền virus cúm. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức hết được những biến chứng mà bệnh cúm gây ra cho con em mình, thậm chí trẻ có thể tử vong vì những biến chứng nguy hiểm này chỉ trong thời gian ngắn.
Bé Allison, 6 tuổi, vốn là 1 cô bé khỏe mạnh và đáng yêu...
Bé gái Allison Eaglespeaker, 6 tuổi đến từ bang Montana, Mỹ là một trường hợp tử vong đáng tiếc do mắc cúm. Bé được mẹ là chị Crystal White Shield đưa vào nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng. Cô bé nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ tại đây cho biết bé Allison đang mắc cúm B, viêm phổi và hen suyễn cùng lúc rất nguy hiểm. Mẹ bé cũng khẳng định con gái mình mắc bệnh hen suyễn từ nhỏ, còn việc bé đã được tiêm ngừa cúm hay chưa thì chính chị cũng không xác định được.
Chị cho biết: 'Hôm đó con gái tôi bắt đầu có biểu hiện rất khó thở, tôi liền đưa con đến bệnh viện. Nhưng không ngờ là con mắc cả cúm và viêm phổi'. Chỉ sau 1 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng của bé Allison xấu đi nhanh chóng và đã tử vong trong sự bàng hoàng của gia đình. Lãnh đạo Phòng Y tế cộng đồng và dịch vụ sức khỏe bang Montana (Department of Public Health and Human Services) cho hay đây là trường hợp trẻ tử vong đầu tiên của bang trong mùa cúm năm nay.
Nhưng do mắc cúm, bị biến chứng viêm phổi kèm theo bệnh hen suyễn từ nhỏ nên đã tử vong chỉ sau 1 ngày nhập viện.
Mùa cúm năm 2014-2015, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố viêm phổi kết hợp với bệnh cúm là nguyên nhân gây tử vong thứ 8 tại đất nước này. Nhưng mùa cúm năm 2017-2018 mới thực sự là nghiêm trọng nhất, bang Montana nơi bé Allison sinh sống là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 10.000 trường hợp được xác nhận mắc cúm, 979 người phải nhập viện và có tới 79 ca tử vong vì mắc cúm. Mùa cúm năm nay, đã có 36 trường hợp được xác nhận mắc cúm và 6 trường hợp phải nhập viện tại tiểu bang này.
Theo số liệu ghi nhận trên khắp nước Mỹ, đã có 179 trẻ em tử vong và hàng ngàn người phải nhập viện. Tổ chức CDC cũng cho biết trong số 80% trẻ em tử vong do cúm đều không được tiêm chủng trước đó. Đây thực sự là những con số đáng báo động không chỉ tại nước Mỹ mà nó còn là những con số biết nói về tình trạng trẻ không được tiêm ngừa cúm hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng của trẻ.
Những điều cha mẹ cần biết về virus cúm mùa
Virus cúm có thể tấn công bất cứ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ do hệ miến dịch còn non yếu (Ảnh minh họa).
Virus cúm (Influenza virus) được chia thành 3 loại A, B và C trong đó cúm A là phổ biến nhất và cúm C là dạng nhẹ nhất. Cúm B khá giống cúm A, chỉ lây từ người sang người và rất dễ lây lan. Virus cúm B hoạt động mạnh vào mùa lạnh, những lúc giao mùa và có khả năng trở thành dịch bệnh. Tuy là bệnh thông thường và chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày có thể sẽ khỏi, nhưng cúm B có thể gây biến chứng nguy hiểm cho những người có hệ miễn dịch kém hoặc bị suy giảm như phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ, thậm chí gây tử vong chỉ trong thời gian ngắn.
Virus cúm lây lan qua các giọt nước nhỏ li ti trong không khí xuất phát từ dịch mũi, miệng khi ho, hắt hơi, va chạm, tiếp xúc với những người bị bệnh. Trẻ cũng có thể sờ, chạm các bề mặt có virus do người mang virus trước đó đã chạm vào. Virus tấn công đường hô hấp của trẻ, ngăn không cho bài tiết chất nhầy, chất thải dẫn đến tích tụ vi khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể trẻ yếu dần. Từ đó, bệnh cúm có thể dễ dàng phát triển thành viêm phổi và có diễn biến nhanh chóng, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ rất dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm, có thể tử vong.
Trẻ rất dễ bị lây bệnh cúm trong mùa cao điểm này (Ảnh minh họa).
Hiện nay các loại vắc xin 3 thành phần và 4 thành phần đều có thể giúp trẻ phòng ngừa cúm B. Các nhà khoa học thường sẽ nghiên cứu và dự đoán trước mỗi mùa cúm những chủng nào có khả năng phát triển phổ biến nhất trong mùa sắp tới, sau đó tạo ra vắc xin phù hợp để phòng ngừa.
Mặc dù phần lớn trẻ em khỏe mạnh có thể tự khỏi bệnh cúm, hồi phục nhanh. Tuy nhiên, một số ít sẽ tiến triển các biến chứng đe dọa tính mạng, cần được sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Khi cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu bắt đầu bị nhiễm cúm mùa như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi thì cần có các biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách để tránh gây những biến chứng nghiêm trọng.
Hãy chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng nhiều cách, trong đó có tiêm phòng (Ảnh minh họa).
- Hạ sốt kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết.
- Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
- Nếu thấy trẻ có biểu hiện nặng bỏ ăn uống, quấy khóc nhiều, sốt cao liên tục không hạ thì cần cho trẻ đến ngay bệnh viện.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tích cực và chủ động phòng bệnh cho con bằng các cách sau:
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đã nhiễm bệnh.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người.
- Nhắc nhở trẻ thói quen sử dụng khuỷu tay che miệng khi ho, hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ.
- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng ngừa chủ động với bệnh cúm.
Nguồn: Dailymail, WebMD, NBCI
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!