Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, có thể có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm và chăm sóc trẻ đúng cách để giảm nguy hiểm và những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Vậy bệnh tay chân miệng là gì? Cách nhận biết, phòng tránh và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Lily & WeCare.
1. Bệnh chân tay miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh có khả năng truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệngthường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh chân tay miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não. viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh chân tay miệng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
2. Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng
Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em có thể thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da...
Nổi ban trên da
Đây là dấu hiệu đặc trưng đầu tiên và dễ nhận biết nhất khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.
Những ban đỏ này thường tập trung và xuất hiện nhiều ở khu vực ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
Loét miệng
Khi các ban đỏ bắt đầu xuất hiện quanh miệng trẻ sẽ gây nên tình trạng loét miệng. Những vết loét ở trẻ thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn và gây đau đớn khi nhai và nuốt. Với những dấu hiệubệnh chân tay miệngnày nhiều cha mẹ thường chủ quan và lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này và khi thấy những triệu chứng này xuất hiện, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
3. Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại nhà
Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà đúng cách sẽ giúp cho bé hồi phục và khỏi bệnh nhanh chóng. Thông thường bệnh sẽ biến mất sau 7 đến 10 ngày. Bệnh không có thuốc đặc trị hoặc vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, mẹ có thể làm dịu các triệu chứng của con bằng các cách sau:
- Khi bé bị bệnh mẹ nên cách ly bé ở trong phòng riêng để hạn chế dịch lây lan.
- Để điều trị tay chân miệng tại nhà hiệu quả thì mẹ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé. Mẹ cần tắm rửa mỗi ngày cho bé. Khuyến khích bé rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa việc tái nhiễm bệnh. Các đồ dùng của bé như đồ chơi, chăn gối, màn... cần được giặt giũ và sát khuẩn đúng cách.
- Mẹ cần đảm bảo bé uống nước đầy đủ để ngăn ngừa mất nước. Đồ uống mát, lỏng như sữa chua, sinh tố có khả năng làm dịu đau họng. Mẹ nên tránh cho bé ăn uống các đồ cay, nóng, có tính axit cao vì sẽ khiến bé khó chịu. Nếu bé mất nước nặng hoặc không ăn uống được thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để truyền nước.
- Chế độ dinh dưỡng khi điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cần đảm bảo đủ chất để giúp bé tăng cường sức đề kháng. Các bữa ăn nên được chia nhỏ và không nên ép bé ăn.
- Đồ dùng ăn uống cho bé như bình sữa, bát đĩa, thìa, đũa cần được khử trùng nước sôi và sử dụng riêng cho mỗi bé.
- Mẹ không nên châm chích vào các mụn nước vì có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đây là cách điều trị bệnh tay chân miệng cho bé tại nhà trong trường hợp trẻ bị nhẹ. Tuy nhiên, khi thấy con mắc tay chân miệng kèm những biểu hiện dưới đây cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và điều trị chính xác nhất:
- Trong trường hợp sốt hơn 38 độ C với trẻ dưới 3 tháng tuổi và cao hơn 39 độ C với trẻ dưới 6 tháng
- Bé không hạ sốt sau 2 ngày mắc bệnh
- Bé bị mất nước nhưng không chịu uống nước
4. Biện pháp phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả
Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ. Trong vùng dịch tay chân miệng, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
- Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng sát khuẩn.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng có dịch tay chân miệng.
- Cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Với những thông tin Lily & WeCare cung cấp trong bài viết, hi vọng đã có thể giải đáp thắc mắc cho các bậc phụ huynh rằng bệnh tay chân miệng là gì, đồng thời nắm rõ về những triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh cho bé khỏi căn bệnh này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!