Bệnh đường tiêu hóa: 9 nguy hại không thể lường trước được (Phần 1)

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Bệnh về đường tiêu hóa là những bệnh đang ngày càng phổ biến. Những bệnh về đường tiêu hóa nào bạn thường gặp nhất và điều trị chúng ra sao?

Bệnh về đường tiêu hóa là những bệnh đang ngày càng phổ biến. Vậy những bệnh về đường tiêu hóa nào thường gặp nhất và cách điều trị chúng ra sao?

Các bệnh về đường tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mà còn cản trở bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số bệnh liên quan đến tiêu hóa phổ biến mà bạn cần lưu ý.

1. Đau, tức ngực (bệnh lý trào ngược dạ dày−thực quản)

Bạn sẽ cảm thấy đau, tức ở giữa ngực khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này thường xảy ra sau bữa khi ăn.

Nếu các triệu trứng như ợ hơi, ợ nóng, khó thở, ói mửa, buồn nôn, khó nuốt hoặc đau phần trên bụng xảy ra ít nhất 2 lần 1 tuần và kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, nếu bạn liên tục gặp các triệu chứng trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.

Để điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên tránh tiêu thụ những loại thức ăn chua, cay, khó tiêu hoặc dùng các thức uống có gas. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các thuốc làm giảm nồng độ axit trong dạ dày hoặc thuốc chống viêm thực quản. Tuy nhiên, một số trường hợp của bệnh lý này đòi hỏi bạn phải dùng các loại thuốc đặc trị hoặc phẫu thuật.

2. Sỏi mật

Tình trạng sỏi mật xảy ra do những hòn sỏi kết tinh bên trong túi mật (túi nhỏ dạng hình quả lê có chứa và tiết ra mật giúp tiêu hóa thức ăn). Sỏi mật có thể hình thành khi có quá nhiều cholesterol trong túi mật.

Khi sỏi mật chặn các ống dẫn từ túi mật đến ruột, chúng có thể gây ra đau nhức ở vùng bụng trên bên phải. Một số loại thuốc có thể làm tan sỏi mật, tuy nhiên nếu sử dụng thuốc không đạt hiệu quả, bạn cần phải phẫu thuật để lấy sỏi mật ra.

3. Bệnh Celiac

Celiac là bệnh không dung nạp gluten − một loại chất đạm được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và yến mạch. Khi người bệnh Celiac tiêu thụ các thực phẩm có chứa gluten, hệ miễn dịch của họ sẽ phản ứng lại bằng cách phá hủy các vi nhung mao trong thành ruột non – những biểu mô giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Celiac ở trẻ nhỏ bao gồm đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy (đôi khi tiêu chảy ra phân mỡ), táo bón, nôn và sụt cân. Ngoài ra, người lớn mắc chứng Celiac thường có các triệu chứng như thiếu máu, mệt mỏi, loãng xương, trầm cảm và động kinh.

Tuy nhiên, một số người mắc bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Cách điều trị duy nhất cho bệnh Celiac là tránh hoàn toàn những thực phẩm có chứa gluten. Những loại thực phẩm phổ biến không có chứa gluten như gạo nâu, hạt diêm mạch, đậu lăng, đậu nành, tinh bột bắp, rau dền,…

4. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một trong những bệnh đặc trưng về tiêu hóa, hay còn gọi là bệnh viêm mãn tính của ruột (IBD). Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến hồi tràng − phần cuối của ruột non. Trong một số trường hợp, bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa.

Triệu chứng phổ biến nhất của Crohn là đau bụng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng, sụt cân và sốt. Việc điều trị bệnh còn phụ thuộc vào các triệu chứng. Thông thường, bạn có thể được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc ức chế miễn dịch hoặc là phẫu thuật.

5. Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là bệnh xảy ra do lớp niêm mạc ở đại tràng bị viêm. Các dấu hiệu của loại bệnh này cũng tương tự như bệnh Crohn, nhưng nó chỉ ảnh hưởng đến một phần trong đường tiêu hóa là ruột già (đại tràng).

Nếu thường xuyên đi ngoài ra máu hay bị đau thắt bụng, bạn hãy đến bệnh viện khám ngay.

Để điều trị bệnh này, bạn có thể dùng các loại thuốc giúp kháng viêm và tránh dùng các loại thực phẩm gây khó chịu đường ruột. Trong những trường hợp nặng, bạn phải phẫu thuật cắt bỏ ruột già.

Các vấn đề về tiêu hóa luôn là nỗi lo của nhiều người. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy ngăn ngừa bệnh bằng cách áp dụng các chế độ ăn thích hợp. Nếu gặp phải các dấu hiệu về tiêu hóa như trên, bạn hãy đến bệnh viện khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cắt bỏ ruột điều trị bệnh Crohn
  • Tìm hiểu về chứng trào ngược dạ dày thực quản
  • Bệnh celiac do biến chứng bệnh tiểu đường

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!