Bệnh thường gặp nhất ở phổi (85 – 90%) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết (lao hạch), hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương khớp và da. Bệnh lao phổi là một loại bệnh lây lan chứ không phải do di truyền.
Trực khuẩn lao không có trong đất; kho chứa vi trùng lao chủ yếu là những bệnh nhân mắc lao phổi. Những bệnh nhân này thường có những 'hang lao', tức là những lỗ lủng trong phổi, có chứa rất nhiều vi trùng lao. Một hang lao có đường kính 2 cm chứa khoảng 100 triệu vi trùng.
Sự lây truyền
Vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi một người mắc lao phổi thể hoạt động không được điều trị ho, nói, hắt hơi, khạc, cười hoặc hát có thể bị hít vào phổi người tiếp xúc gần đó và gây bệnh tại phổi.
Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó. Hầu hết những người bị lao phổi thể hoạt động được điều trị đúng thuốc ít nhất trong 2 tuần là không lây nhiễm nữa.
Bệnh lao dễ lây truyền qua đường không khí (Ảnh: Sức khỏe Đời sống)
Ai dễ mắc bệnh lao
- Người mắc bệnh HIV/ AIDS, đái tháo đường, bệnh thận mạn giai đoạn cuối, ung thư.
- Người đang hoá trị, xạ trị ung thư, corticoid, thuốc chống thải ghép dùng sau ghép tạng.
- Trẻ nhỏ hoặc người già, người suy dinh dưỡng.
Triệu chứng của bệnh lao
Các triệu chứng chung của bệnh lao là:
- Ho.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Sốt: thường sốt nhẹ, gai sốt về chiều tối.
- Vã mồ hôi về đêm.
- Ớn lạnh.
Triệu chứng của lao phổi bao gồm:
- Ho kéo dài trên 3 tuần.
- Ho khạc đờm hoặc máu.
- Đau ngực, đau khi hít sâu hay ho.
Ho kéo dài là triệu chứng thường gặp của bệnh lao phổi (Ảnh minh họa: Internet)
Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh lao?
Khi có những triệu chứng như nêu trên hãy nghĩ đến bệnh lao, và hãy đến ngay các Tổ chống Lao quận huyện, các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa lao khám bệnh, chụp hình phổi và quan trọng nhất là tìm vi trùng lao trong đàm.
Tại đó, bệnh nhân sẽ được thử 3 mẫu đàm: mẫu 1 lấy tại chỗ lần khám 1, mẫu 2 lấy tại nhà và mẫu 3 lấy tại chỗ lần khám 2 vào ngày hôm sau. Bệnh nhân cần chú ý khạc đàm sâu đúng kỹ thuật, không lấy nước bọt hoặc nước mũi. Nếu tìm thấy vi trùng lao trong đàm, người có những triệu chứng trên đã mắc lao phổi. Nếu không tìm thấy vi trùng lao, bác sĩ chuyên khoa lao sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân những điều cần thiết tiếp theo.
Biến chứng của bệnh lao
Bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu, nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh, hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp là:
- Ho ra máu: có thể ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh, do bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.
- Tràn khí màng phổi: do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ - tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.
-Tràn dịch màng phổi: do tiếp cận với một ổ lao phổi đang tiến triển
Biến chứng có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi:
- Dãn phế quản:có triệu chứng ho đàm và ho ra máu. Không nên lầm lẫn là bệnh tái phát. Chỉ khi tìm thấy vi trùng lao mới là tái phát.
- Suy hô hấp mãn:khi có di chứng lan rộng làm phổi mất chức năng.
- U nấm phổi: do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi.
Nghiên cứu phòng chống bệnh lao hiệu quả (Ảnh: TTXVN)
Phòng bệnh lao
Với người bị nhiễm lao thì việc điều trị để phòng nguy cơ chuyển thành lao thể hoạt động sau này là cần thiết, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, tiêm chích ma tuý...
Phòng sự lan truyền vi khuẩn lao cho người xung quanh:
Nếu bị lao thể hoạt động nên giữ để tránh lây cho người xung quanh. Thông thường cần vài tuần điều trị lao để không lây cho người khác. Những việc cần làm là:
- Nên nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị lao.
- Thông thoáng không khí trong phòng: bào tử lao có thể lây lan dễ dàng trong không gian đóng khi không có không khí lưu thông.
- Che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài: Sử dụng miếng vải che miệng bất cứ khi nào cười, nói, ho, hắt hơi. Để miếng vải trong cái túi, buộc kín và vứt vào thùng rác.
- Tuân thủ quá trình trị liệu là bước quan trọng trong quá trình điều trị lao nhằm bảo vệ bệnh nhân và người xung quanh khỏi lao.
Tiêm phòng lao
Ở những nước lưu hành bệnh lao cao như nước ta, trẻ sơ sinh được tiêm phòng lao với vắc-xin BCG nhằm ngăn ngừa lao nặng ở trẻ em. Tuy nhiên vắc-xin này không có hiệu quả bảo vệ 100%.
Nâng cao sức khoẻ bản thân, lối sống lành mạnh: Mỗi người trong cộng đồng đều cần có ý thức nâng cao sức khoẻ bản thân bằng cách ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma tuý, rượu bia, thuốc lá... Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, sống ở nơi không khí lưu thông và khám sức khoẻ định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao.
Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 12 trong số 22 nước có người mắc bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Với khẩu hiệu 'Quyết tâm thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia phòng chống lao', ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay, ngành y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu đặt ra trong chiến lược quốc gia, tiến tới đẩy lùi bệnh lao.
Trong năm 2015, Chương trình phòng chống lao quốc gia sẽ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công tác phòng chống lao, huy động nguồn lực cộng đồng, địa phương vào công tác chống lao.
Chương trình sẽ tiếp tục củng cố hệ thống xét nghiệm để áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới, vận động chính sách kinh tế y tế đối với các xét nghiệm mới tại các tuyến; Tăng cường hoạt động quản lý lao kháng thuốc, đảm bảo cung ứng phân phối hậu cần thuốc, trang thiết bị, vật tư đầy đủ…
Theo báo cáo của WHO năm 2014, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có chiều hướng giảm với tỷ lệ mới mắc lao giảm khoảng 2%/năm, nhưng tình hình dịch tễ bệnh lao trên thế giới vẫn đang là vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao; Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc cao 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 20% trong số bệnh nhân điều trị lại và có 13% đồng nhiễm lao/HIV.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!