Triệu chứng tuần hoàn máu kém
Các triệu chứng của tuần hoàn kém có thể không trầm trọng. Tuy nhiên, dù các triệu chứng rõ ràng hay không, tuần hoàn kém có thể gây nguy hiểm. Sau đây là những triệu chứng phổ biến của tuần hoàn kém mà ai đó nếu gặp phải đều nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám.
Tê và dị cảm ở chân tay: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của tuần hoàn kém là tê và cảm giác châm chích ở tay chân. Điều này xảy ra khi dòng chảy của máu bị cản trở khiến lượng máu đưa đến các cơ quan trong đó có các chi không đủ mà dấu hiệu của nó chính là dị cảm ở chân, tay.
Tay chân lạnh: Lưu lượng máu giảm khiến tay và chân cảm thấy lạnh hơn nhiều so với các phần khác của cơ thể. Khi máu không thể chảy với tốc độ khỏe mạnh, điều này có thể dẫn đến sự dao động nhiệt độ ở da và đầu dây thần kinh của tay và chân.
Sưng phù chân: Tuần hoàn kém có thể khiến chất lỏng tích tụ ở một số khu vực của cơ thể. Điều này được gọi là phù và nó thường xảy ra ở chân, nhất là mắt cá chân và bàn chân. Phù cũng có thể là một dấu hiệu của suy tim khi tim không thể làm tốt nhiệm vụ đẩy máu đi khắp cơ thể một cách đầy đủ. Khi máu tích tụ ở khu vực chân, áp lực buộc chất lỏng từ các mạch máu vào các mô xung quanh sẽ gây ra hiện tượng phù. Các triệu chứng phù bao gồm: sưng nề, da căng và ấm, khớp cứng, đau ở vùng bị ảnh hưởng. Ấn ngón tay cái vào vùng da bị sưng thấy để lại vết lõm.
Một trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới gây tắc mạch, phù nề đầu chi.
Ngoài ra, khi chất lỏng chứa protein tích tụ trong bụng, tình trạng này được gọi là cổ trướng và tuần hoàn kém cộng với tình trạng xơ gan có thể là nguyên nhân.
Rối loạn nhận thức: Lưu thông máu kém có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não dẫn đến mất trí nhớ và khó tập trung. Những vấn đề này và các vấn đề nhận thức khác có thể xuất phát từ sự giảm lưu lượng máu đến não, giảm lượng máu bơm khắp cơ thể và những thay đổi nhất định về huyết áp.
Vấn đề tiêu hóa: Quá trình tiêu hóa phụ thuộc vào lưu lượng máu và lưu thông máu kém có liên quan đến chất béo tích tụ trong lòng mạch ở bụng. Các vấn đề về tiêu hóa liên quan đến giảm lưu lượng máu bao gồm: đau bụng, tiêu chảy, đại tiện ra máu, táo bón.
Mệt mỏi: Tuần hoàn máu kém ảnh hưởng đến mức năng lượng cho cơ thể hoạt động. Ngoài ra, tim phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu khi tuần hoàn kém dẫn đến cảm giác mệt mỏi.
Đau khớp và chuột rút: Tuần hoàn kém có thể gây đau ở chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay. Đau chân thường nặng hơn khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Ngoài ra, khi máu không lưu thông tốt, oxy và chất dinh dưỡng không thể đến các mô một cách đầy đủ dẫn đến co cứng cơ và chuột rút.
Thay đổi màu da: Khi máu đến các mô của cơ thể đầy đủ, da dẻ có thể trông nhợt nhạt, xanh xao hơn bình thường. Nếu máu thấm ra từ mao mạch, những khu vực da này có thể xuất hiện màu tím. Vùng da có thể thay đổi màu sắc như tím tái, xanh xao thường là mũi, môi, tai, núm vú, tay, chân.
Loét chân: Tuần hoàn kém ảnh hưởng đến khả năng chữa lành của cơ thể, có thể dẫn đến loét ở chân và bàn chân. Loét cũng có thể phát triển khi máu tích tụ quá mức trong tĩnh mạch chân, gây sưng nề.
Giãn tĩnh mạch: Tuần hoàn kém gây ra chứng giãn tĩnh mạch khiến máu khó quay trở lại tim. Chúng cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như: nặng ở chân, đau chân, tê, sưng phù, tĩnh mạch nổi thành búi.
Nguyên nhân do đâu?
Xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tuần hoàn máu kém. Khi mảng bám tích tụ trong các mạch máu, đặc biệt là trong các động mạch, sự tích tụ này thu hẹp và làm cứng các động mạch, cuối cùng hạn chế lưu lượng máu. Xơ vữa động mạch thường ảnh hưởng đến các động mạch não, tim, chân và cánh tay. Khi xơ vữa động mạch phát triển ở chi trên và chi dưới gọi là bệnh lý động mạch ngoại biên (PAD).
Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về tuần hoàn và các vấn đề liên quan, chẳng hạn như PAD. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và khiến mảng bám tích tụ. Do đó, với người mắc bệnh đái tháo đường, quan trọng là quản lý lượng đường trong máu, huyết áp và mức cholesterol để duy trì tuần hoàn khỏe mạnh.
Huyết khối: Huyết khối trong mạch máu có thể hạn chế máu lưu thông đến/đi từ các cơ quan hoặc mô. Trong một số trường hợp, huyết khối ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy của máu. Huyết khối không chỉ gây đau mà nếu di chuyển nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như cơn đau tim, cơn đột quỵ gây thuyên tắc động mạch phổi. Huyết khối có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể và dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn.
Chạy bộ thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu. Ảnh: TM
Thừa cân: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp và giãn tĩnh mạch, hiện tượng Raynaud. Tình trạng này khiến các mạch máu bị thu hẹp. Mạch hẹp và lưu lượng máu bị hạn chế có thể gây tê, dị cảm và cảm giác lạnh ở tay chân và các tác động có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển các điều kiện gây ra tuần hoàn kém: làm hỏng thành mạch máu và khiến mảng bám tích tụ trong lòng mạch. Hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Giải pháp nào cho tuần hoàn kém?
Điều trị cho tình trạng tuần hoàn kém tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong đó, biện pháp thay đổi lối sống sau đây cũng đem lại những hiệu quả nhất định: Hãy bỏ thuốc nếu đang hút thuốc; Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý; Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sắt, giàu omega-3, chất chống oxy hóa; Mang tất y khoa để giúp kiểm soát cơn đau và sưng chân. Thường xuyên tập thể dục, tập các bài tập được thiết kế để cải thiện tuần hoàn trong đó có yoga, chạy bộ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!