Nhưng tình trạng viêm nhiễm kéo dài dần dần làm tổn thương lợi, dây chằng và gây tiêu xương xung quanh răng.
Bệnh nha chu là bệnh của các tổ chức xung quanh răng, phá huỷ mô nâng đỡ của răng gồm: Xương, lợi và hệ thống dây chằng nha chu.
Những triệu chứng đầu tiên
Dấu hiệu sớm của bệnh nha chu là lợi sưng, đỏ và dễ chảy máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng chảy máu lợi thường do có sự tổn thương sâu bên dưới, có nhiều người còn nghĩ rằng lợi chảy máu là chuyện bình thường.
Khi bệnh mới ở giai đoạn đầu, bạn không hề cảm thấy đau hay khó chịu, vì lý do này nên đa số bệnh nhân khi đến chữa trị thì đã quá muộn. Nếu không được chữa trị, bệnh viêm lợi sẽ tiến triển thành viêm nha chu, lúc này, sự phá huỷ sẽ không thể ngăn chặn được nữa. Vì vậy, nếu thấy lợi có biểu hiện bất thường thì hãy đến nha sĩ ngay để chữa trị kịp thời.
Vôi răng chính là mảng bám được khoáng hoá, chứa nhiều độc tố và vi khuẩn, tác động lên lợi răng làm lợi ngày càng bị viêm nhiễm. Khi lợi viêm nhiều, dây chằng nha chu bị tổn hại nghiêm trọng, xương bị tiêu đi. Răng bắt đầu lung lay vì mô nâng đỡ bên dưới đã bị tổn thương quá nhiều. Đây là giai đoạn tiến triển cuối cùng của bệnh. Lúc này, răng không còn có thể giữ lại được nữa và sẽ phải nhổ đi.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh nha chu (Ảnh minh họa: Internet)
Thủ phạm gây bệnh nha chu
Nguyên nhân chính gây nên bệnh nha chu chính là mảng bám vi khuẩn. Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nha chu rất đa dạng: chế độ dinh dưỡng, thuốc lá, stress, mang thai, một số thuốc như thuốc ngừa thai, thuốc tim mạch, thuốc chống trầm cảm, chống co giật và một số bệnh khác như ung thư máu, HIV… Ngoài ra, di truyền cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Bố mẹ bị bệnh nha chu thì con cái cũng dễ mắc bệnh hơn.
Một khi mảng bám trên răng không được lấy đi thật sạch (bằng đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách) thì hàng triệu vi khuẩn trong đó sẽ kết hợp với các thành phần khác trong nước bọt tạo nên vôi răng. Vôi răng là cấu trúc rắn có bề mặt sần sùi, tạo điều kiện cho thức ăn và vi khuẩn tiếp tục bám vào. Chính vôi răng và độc tố từ vi khuẩn gây nên tình trạng viêm nhiễm và phá huỷ mô nâng đỡ của răng.
Hậu quả của sự tạo thành vôi răng và quá trình viêm nhiễm là nướu răng không còn ôm sát vào răng nữa, hình thành nên túi nha chu chứa đầy mảng bám. Càng ngày túi nha chu càng sâu thêm, mảng bám di chuyển sâu về phía chân răng và xương bị tiêu đi. Nếu bệnh không được chữa trị kịp thời thì sự phá huỷ này sẽ tiếp tục tiến triển.
Để chẩn đoán bệnh nha chu, người ta quan sát màu sắc và độ săn chắc của lợi, đo túi lợi và đánh giá độ lung lay của răng. Các răng bị di chuyển làm thay đổi khớp cắn cũng là một dấu hiệu của bệnh nha chu.
Bước đầu tiên trong điều trị bệnh nha chu là cạo vôi răng bằng máy siêu âm. Sau đó, nha sĩ sẽ dùng dụng cụ cạo vôi tay để làm láng mặt chân răng. Khi hai bước này được thực hiện xong thì phần lớn vi khuẩn gây bệnh đã được lấy sạch, giúp cho lợi răng bắt đầu quá trình lành thương, lợi sẽ co lại đồng thời bám lại vào răng và túi lợi sẽ giảm bớt độ sâu.
Khi nào cần phẫu thuật?
Dùng chỉ nha khoa để làm sạch cặn thức ăn và mảng bám là giải pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh nha chu
Nếu bệnh nha chu của bạn đã tiến triển ở mức độ nặng hơn thì có thể phải can thiệp phẫu thuật để điều trị cho triệt để. Tuỳ vào mức độ trầm trọng của bệnh mà nha sĩ sẽ quyết định xem bạn có cần phải điều trị phẫu thuật hay không.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành gây tê vùng thần kinh hoặc chỉ cần gây tê tại chỗ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Mục đích của điều trị phẫu thuật là lấy sạch vôi răng ở các túi nha chu sâu và tạo hình lợi, giúp cho lợi răng trở lại hình dạng dễ chải rửa và thẩm mỹ hơn. Phần xương bị tổn thương cũng có thể được chỉnh sửa lại. Và đôi khi, trong một số trường hợp đặc biệt, các răng lung lay có thể được nẹp cố định một thời gian.
Ngoài ra, có một số điều trị khác cũng được sử dụng phối hợp như mài chỉnh khớp cắn, chỉnh hình răng, nẹp cố định, sử dụng kháng sinh… tuỳ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh nha chu là một bệnh mạn tính không thể chữa dứt hoàn toàn được. Và cũng như các bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như tiểu đường hay tăng huyết áp, bệnh nha chu cần phải được theo dõi liên tục để kiểm soát tiến triển của bệnh. Do vậy, hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt bằng cách đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách để vôi răng không có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, cho dù bạn kỹ lưỡng như thế nào thì trong miệng vẫn có những vùng bẩn mà bàn chải và chỉ nha khoa không thể làm sạch hết được. Vì vậy, bạn nên đi khám răng và làm sạch răng định kỳ, thường là mỗi năm 2 lần để nha sĩ dùng các dụng cụ và kỹ thuật đặc biệt để làm sạch răng.
Nếu đã được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh nha chu thì bạn sẽ phải đi điều trị và tái khám định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng răng miệng.
>> Xem thêm: Mẹo siêu đơn giản phòng tránh bệnh nha chu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!