Giọng nói thay đổi bất thường là biểu hiện của bệnh gì? (P2)

Chăm sóc răng miệng - 04/19/2024

Giọng nói thay đổi không chỉ do các bệnh cảm cúm, viêm họng thông thường mà còn do một số căn bệnh nghiêm trọng khác sau đây...

Tiếp nối bài Giọng nói thay đổi bất thường là biểu hiện của bệnh gì? (P1). Tình trạng giọng nói bị khàn đặc, run rẩy, hoặc khò khè có thể là triệu chứng của các bệnh sau đây.

Bệnh Parkinson: Làm giọng nói mỏng, thô và run rẩy

Những bệnh nhân Parkinson thường xuyên có giọng nói mềm, mỏng khiến người đối diện khó có thể nghe rõ họ nói gì. Trong một vài trường hợp, giọng nói sẽ trở nên hơi thô, khàn đục và run rẩy. Các bệnh nhân có thể cải thiện và duy trì giọng nói ổn định của mình bằng một số cách như: Nói những câu ngắn gọn, nói to nếu bạn cảm thấy cần thiết, tuy nhiên bạn nên tránh gào thét và bạn nên đi khám bác sĩ để xin lời khuyên.

Teo dây thanh âm: Giọng nói yếu và khàn

Thông thường, những người bước qua tuổi 60 thường có giọng nói yếu và khàn đi. Đó là vì dây thanh âm đã bắt đầu teo lại. Điều này khiến cho bạn bè, họ hàng hay thậm chí vợ/chồng của họ khó có thể nghe họ nói gì. Đây thực sự trở thành vấn đề nan giải khiến họ tự cô lập mình với xã hội, cảm thấy không thoải mái khi đến nhà hàng hay quán xá và các nơi công cộng khác bởi vì họ không thể nói chuyện dễ dàng như trước. Sự cô lập này có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. May mắn là căn bệnh tuổi già này có thể chữa trị bằng cách tiêm chất độn vào dây thanh quản, cho phép các dây rung tốt hơn và khiến giọng nói rõ hơn.

Lạm dụng giọng nói quá nhiều: Làm khàn tiếng

Những công việc đòi hỏi lên cao giọng hay nói lớn như giáo viên đứng lớp, huấn luyện viên thể hình, thương nhân trên sàn chứng khoán có thể có một khối u lành tính trên dây thanh quản khiến cho giọng nói bị khàn. Cổ họng của họ có thể chịu đau tương đương với các cơn đau nhức của cầu thủ bóng đá bị chấn thương. Nếu bạn đang trải qua tình trạng này, có thể cổ họng của bạn đã bị tổn thương. Khi bạn nói quá nhiều và cảm thấy giọng nói bắt đầu khàn đi, bạn nên dành một ngày để nghỉ ngơi nếu có thể. Giáo viên hay những người cần giọng nói để kiếm sống có thể học một vài khóa học giao tiếp hiệu quả để dây thanh quản không bị quá tải sau một khoảng thời gian nói liên tục.

Những triệu chứng khác trong giọng nói có thể cảnh báo sức khỏe của bạn

Nếu bạn nhận thấy bất kì sự thay đổi nào trong giọng nói của mình mà không phải do cảm lạnh hay đau họng hoặc giọng nói khàn đục hơn ba tuần kể từ khi bạn hồi phục sau khi nhiễm trùng đường hô hấp, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra. Những thay đổi trong giọng nói dưới đây có thể là dấu hiệu của các bệnh tiềm ẩn khác:

  • Giọng nói khàn trong thời gian dài;
  • Bạn không thể lên nốt cao khi hát;
  • Giọng nói trở nên trầm một cách đột ngột;
  • Bạn thường xuyên đau nhức cổ họng hoặc cổ họng bị căng, thô ráp;
  • Khi nói chuyện, bạn phải hắng giọng nhiều lần.

Bí quyết hiệu quả giúp bạn bảo vệ giọng nói

Dưới đây là một số cách hiệu quả bảo vệ giọng nói của bạn:

  • Uống đủ từ 6-8 ly nước mỗi ngày;
  • Hạn chế sử dụng các chất chứa cồn và caffein. Cả hai chất này đều gây khô rát cổ họng;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm vào mùa đông hoặc ở những nơi khí hậu khô;
  • Tránh sử dụng các loại thuốc làm khô cổ họng như thuốc trị cảm lạnh hay dị ứng;
  • Không hút thuốc và cố gắng hạn chế hít phải khói thuốc;
  • Tránh các món ăn cay để giảm tình trạng khó chịu vì trào ngược axit;
  • Không sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn hoặc các chất gây kích ứng họng;
  • Hít thở sâu để giọng nói rõ ràng và cổ họng bớt mệt mỏi;
  • Không giữ điện thoại bằng đầu và cổ vì có thể khiến cơ cổ bị căng;
  • Không nói quá to hoặc quá nhỏ. Khi bạn hét lên hay thì thầm đều có thể làm căng cổ họng.

Giọng nói là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Những thay đổi trong giọng nói không chỉ khiến bạn mất tự tin mà còn là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh tiềm ẩn. Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay khi giọng nói bị thay đổi để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nhé.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • 1001 thắc mắc về bệnh tuyến giáp ở chị em
  • Mẹ bầu uống rượu: thai nhi mang hậu quả
  • Bị đau cơ cần uống thuốc gì?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!