Thời gian gần đây, liên tục các thông tin cho thấy tỷ lệ bà mẹ mang thai bị Rubella tăng đáng kể và điều lo ngại nhất là bệnh dù lành tính, nhưng lại nguy hiểm cho phụ nữ có thai nhất là vào 3 tháng đầu vì gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Bệnh Rubella còn có tên là bệnh Rubêôn, do vi-rút RNA thuộc nhóm Toga vi-rút gây ra, còn gọi là bệnh sởi Đức. Rubella có đặc điểm là hay gây thành dịch và phát ban giống sởi.
Vi-rút Rubella được phân lập từ năm 1962, bệnh lây qua đường hô hấp, hay xảy ra dịch vào mùa Xuân và đầu mùa Hạ. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Những biểu hiện lâm sàng của bệnh
Sau khi vi-rút vào cơ thể độ 2-3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.
Sốt: Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Sốt nhẹ 38,5oC.
Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
Phát ban: Là dấu hiệu làm người ta để ý tới. Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.
Đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy hay gặp ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.
Các thể lâm sàng
Rubella bẩm sinh: Vi-rút từ máu mẹ qua nhau thai. Trẻ sơ sinh khi đẻ ra đã có ban, hoặc trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.
Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca. Xuất hiện xuất huyết vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.
Phụ nữ có thai bị Rubella
Thường người mẹ không có triệu chứng, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ.
Trong 3 tháng đầu: 70-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.
Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17-20 tuần, tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.
Các biến chứng dị tật của thai nhi: Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung. Nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (1 hoặc 2 bên); đục giác mạc; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.
Điều trị
Cần điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ nhiệt. Giữ ấm, tránh gió, kiêng nước trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin.
Phòng bệnh
2 biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng bằng vắc-xin. Tiêm phòng vắc-xin Rubella giảm độc lực, được ứng dụng từ năm 1969 tạo nên miễn dịch ít nhất là 16 năm, hoặc có thể cả đời. Vì vậy nên tiêm phòng Rubella rộng rãi cho trẻ 12-24 tháng tuổi. Đối với phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ, khi tiêm phòng, phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu trong 3 tháng liên tục, gồm 1 tháng trước khi chủng và 2 tháng sau khi chủng. Việc cách ly là rất khó, phải cách ly 8-10 ngày sau khi ban bay hết. Nhưng có ý kiến nên để cho trẻ mắc bệnh, vì Rubella là bệnh lành tính và sau khi khỏi, người bệnh có miễn dịch bền vững.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!