Phương Anh hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Ngoài công việc là một giáo viên, chị tất bật đảm nhận vai trò làm mẹ, tỉ mẩn chăm sóc và dạy con.
- Chào Phương Anh, sau 3 năm làm mẹ, bạn thấy mình thay đổi như thế nào?
Hiện tại mình rất hài lòng về gia đình, tình cảm, công việc. Chăm con thật tốt, vợ chồng hạnh phúc và giữ gìn sự đầm ấm với bố mẹ chồng là mục tiêu hàng đầu của mình. Sau khi Gia Bảo ra đời, mình thấy mình thay đổi khá nhiều. Mình yêu đời hơn, có trách nhiệm và trưởng thành hơn.
- Bạn có thể ‘phác họa’ một vài nét về Gia Bảo không?
Ở nhà mọi người thường gọi yêu bé là Bảo Bảo hay cu Nhím (vì ngay từ bé, tóc con đã luôn trong tư thế dựng ngược lên).
Năm nay Bảo Bảo đã được 3 tuổi và đã biết tỏ ra như một người lớn, biết giúp bố mẹ được rất nhiều việc như: Lấy đồ cho mẹ, lau chùi một số đồ vật nhỏ, cất đồ đạc vào đúng nơi quy định, tự xúc cơm và còn nhắc mẹ cho uống thuốc đúng giờ nữa.
Ở nhà, vì không có người giúp việc, nên khi mình làm những công việc nhà đều để cho bé đứng cùng, vừa nghe con kể chuyện trường lớp như thế nào, hỏi han về bài học mới của con và vừa nhờ con giúp mẹ làm việc nọ, việc kia. Cả nhà ai cũng mừng khi Bảo Bảo luôn hứng khởi với những công việc đấy.
Bảo Bảo là một cậu bé tinh nghịch và bướng bỉnh...
- Bé Bảo Bảo-3 tuổi đã bước vào giai đoạn định hình tính cách riêng, bạn có bí quyết nào để dạy dỗ con hiệu quả nhất?
Trước đây, Bảo Bảo khá ít nói nhưng bây giờ, sau khi đi học con tự tin hơn rất nhiều, con nói chuyện nhiều hơn và rất thích đặt câu hỏi về những điều xung quanh để người lớn cần suy nghĩ và trả lời.
Nhà mình luôn cho con thử tất cả các công việc mà người lớn làm: Bà hay đưa con đi chợ rồi dạy con các loại rau củ quả, ông thì luôn cho con ra làm vườn cùng, gợi ý con giúp ông tưới cây, chăm sóc các con vật trong gia đình.
Bản thân mình lúc nào cũng nhờ con làm các công việc nhà, lúc việc này việc kia. Mình thấy qua những công việc đơn giản như thế, con trưởng thành hơn, linh hoạt hơn, biết quan tâm tới người xung quanh. Được cái Bảo Bảo rất thích làm những công việc đấy, nhiều khi thấy ông bà bố mẹ làm gì là con cũng lăng xăng ra hỏi và chủ động giúp đỡ. Có những lúc con ngoan nhưng có lúc vô cùng bướng bỉnh.
... và cũng rất tình cảm
- Dường như anh con trai nào cũng bướng bỉnh! Những lúc con bướng, Phương Anh sẽ xử trí như thế nào?
Có thể là con trai nên Bảo Bảo không hay có tính ăn vạ nhưng bé đặc biệt cực kì ương bướng.
Vào mỗi lúc con chơi đồ chơi, mình thường ý thức cho con phải giữ gìn bảo vệ đồ chơi của mình, nhưng trẻ con thì không tránh được những lúc quăng quật, ném đồ chơi và thả đồ từ trên cao xuống, những lúc đấy mình sẽ nói cho con biết lỗi sai của mình, cho con xin lỗi và đưa hình phạt là: Không cho con chơi món đồ đó trong vài ngày.
Dần dần con sẽ ý thức được về hành động đấy sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con như thế nào và không nên tiếp tục tái diễn nữa.
- Khi con hơn 2 tuổi, nhiều bậc phụ huynh cho con đi học võ, vẽ, đàn hát, tiếng Anh, toán…, với tư cách là một giáo viên và cũng là một người mẹ có con trong độ tuổi này, Phương Anh nghĩ thế nào về việc này? Liệu học nhiều như thế, con có bị sức ép quá lớn không?
Là một giáo viên, mình không nghĩ bố mẹ nào cho con đi học võ, vẽ, tiếng Anh, đàn hát… đều mong muốn con mình trở thành thần đồng.
Mỗi một bộ môn năng khiếu đều phát huy cho con mình 1 thế mạnh trong cuộc sống như: Học võ thì con sẽ khỏe mạnh, linh động hơn này. Con học vẽ sẽ được tạo nền móng cho sự sáng tạo, khéo léo…
Học một môn năng khiếu hay học một môn văn hóa cũng là để giúp con cái mình tự tin hơn trong cuộc sống, nhưng quan trọng là phụ huyenh phải dựa vào năng khiếu và sở thích của con. Như Bảo Bảo nhà mình rất thích vẽ và học nhạc, bản thân mình cũng đăng kí cho con học thêm 2 môn ở trường, con rất hào hứng với mỗi buổi học, khi về nhà, con còn phấn khởi khoe thành thích ở lớp, mình coi đó không phải là tạo sức ép cho con.
Bảo Bảo và ông nội
- Nhớ lại cách đây 1 năm, ngày đầu tiên đi học mẫu giáo của Bảo Bảo có gì đặc biệt không?
Trước khi đi học, Bảo Bảo cũng khá lì lợm, ít nói. Thời gian đầu con cũng khóc nhiều như các bạn khác.
Lúc mẹ đưa đến lớp thì con chỉ nắm chặt tay giữ giữ nhưng cũng vào lớp ngoan ngoãn, chỉ đến chiều khi thấy mẹ đón về thì oà lên khóc to cho đến khi về đến tận nhà, con cứ phụng phịu suốt.
Cả gia đình Bảo Bảo cùng đi nghỉ mát
Cứ như vậy, sau 2 tuần gia đình giải thích, động viên, an ủi rồi cùng sự vui thích ở lớp với thầy cô bạn bè, con bắt đầu quen dần và thích đi học. Con ngoan hơn hẳn, chủ động dậy sớm, tự giác nhắc nhở ông bà bố mẹ đưa đi học cho đúng giờ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!