- Những phương pháp dạy con như vậy Phương Anh đã biết được qua những nguồn thông tin nào?
Theo mình, mỗi đứa trẻ đều hình thành tính cách khác nhau do hoàn cảnh môi trường và gia đình tác động. Chính vì thế, mỗi gia đình lại phải tìm cho riêng mình một phương pháp dạy cụ thể để phù hợp với tâm sinh lý đứa trẻ của mình.
Mình có lợi thế vì mẹ đẻ là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành luật ‘Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em’, bố mẹ chồng lại là người sống rất thoáng, hiểu biết, các cụ luôn tìm tòi những cách dạy cháu mới, khoa học thông qua báo đài. Bố mẹ không cổ hủ, kiêng khem, cấm đoán nhiều như một số gia đình khác. Bản thân mình cũng được học về ‘tâm sinh lý, giáo dục trẻ’ qua đồng nghiệp, thầy cô và các tài liệu ở trường nên mình đã trang bị cho bản thân 1 số kiến thức nhất định cho việc giáo dục con cái.
Mình luôn đề cao về mặt đạo đức và ước mơ của một đứa trẻ. Một đứa trẻ có đạo đức, có ước mơ thì sẽ tự có thể hướng bản thân mình tới một tương lai tốt nhất. Các cụ đã nói ‘không làm thầy thì làm thợ’, mình không đặt áp lực trên vai đứa trẻ của mình mà chỉ luôn mong con biết rằng như thế nào là tốt trong cuộc sống của con.
- Nhiều người nói, giáo viên thường dạy con rất nghiêm, Phương Anh thì như thế nào khi dạy dỗ Bảo Bảo?
Mình thích dạy con theo phương pháp cương nhu kết hợp. Với trẻ em, luật pháp tương đương với những bộ quy tắc ở nhà trường và gia đình. Nếu muốn trẻ em khi trưởng thành là một công dân biết tuân thủ luật pháp, thì trước hết phải đặt ra những bộ qui tắc đơn giản nhưng có tác dụng điều chỉnh hành vi của trẻ. Chính vì vậy mà các trường học đều luôn có 1 bảng nội quy treo ở mỗi phòng để bé thực hiện.
Gia đình cũng vậy, gia đình mình luôn có những quy tắc nhất định và luôn nhắc nhở con thường xuyên. Nếu trẻ được hướng dẫn tuân thủ những qui tắc rất thiết thực này từ bé, khi lớn lên con sẽ có thói quen tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên. Hành vi của trẻ cũng đạt đến những chuẩn mực văn minh cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, như biết lắng nghe và trao đổi, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác, có trách nhiệm với bản thân mình,…
Tuy nhiên, kỷ luật cũng dựa trên tình yêu thương con. Không chỉ mình và cả gia đình luôn dành tình cảm nhiều thật nhiều để con hiểu rằng con là điều vô giá và con cũng cần phải có trách nhiệm ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ.
- Là một cô giáo và cũng là một người mẹ hiểu biết, Phương Anh thấy phương pháp giáo dục nào khiến bạn tâm đắc nhất?
Làm bạn với con là phương pháp mà mình thấy tâm đắc hơn cả nhưng không dễ thực hiện. Để ‘làm bạn’ được với con, mình phải là những ông bố, bà mẹ thật sự hiểu đứa trẻ của mình, đặt mình vào tâm lý của đứa trẻ để giải quyết các câu chuyện mà trẻ tâm sự cùng. Và hơn thế nữa, phương pháp này phải được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ.
Gia đình mình luôn khơi gợi để cho con kể về những câu chuyện ở trường, ở lớp và tranh thủ hỏi: ‘Theo con bạn ý làm đúng hay sai? Như thế có ngoan không con’…
Mọi sự khơi gợi này giúp con đánh giá được hành động mà mình quan sát được. Mình cũng hay kể cho con nghe một số những câu chuyện đơn giản hằng ngày mà con có thể hiểu được, để con cảm nhận được mình cũng được chia sẻ như những người trong gia đình.
Có lẽ ở tuổi này tiếp xúc với những câu chuyện của con đơn giản hơn, các ông bố bà mẹ thường gặp khó khăn trong thời điểm ‘dậy thì của con trẻ’, mình cũng chưa trải qua nên không không biết lúc đó mình sẽ xử lý như thế nào, nhưng nếu cho trẻ làm quen với phương pháp chia sẻ với mọi người từ sớm, lắng nghe câu chuyện bằng thái độ tôn trọng, không cấm đoán, áp đặt con mà chỉ đưa ra những suy nghĩ của bản thân trong vấn đề của trẻ để trẻ tự nhìn nhận và quyết định thì việc ‘làm bạn với trẻ’ cũng không là quá khó.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!