Đây cũng là thử thách khá thú vị cho trẻ trong quá trình học hỏi, trưởng thành. Để thành công, hãy tìm cách để trẻ giúp bạn từ những việc nhỏ nhất như tự thu dọn đồ chơi, giúp bạn nhặt rau, làm bánh... Bằng cách đó, trẻ sẽ thấy mình có ích, hãy thiết lập mức độ cho bé tham gia khi bé lớn hơn.
1. Khởi tạo tính tự giác
Bắt đầu từ 2 tuổi trẻ cơ bản đã đi lại vững, cứng cáp hơn và bắt đầu tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đây là lúc thích hợp để bắt đầu gieo cho trẻ thói quen tự giác. Bắt đầu từ những việc hết sức nhỏ nhặt như xếp gọn đồ chơi sau khi chơi xong hay tự mặc quần áo, để đồ đạc có trật tự…
Dạy trẻ làm việc nhà là một việc cần thiết để trẻ tự biết chăm lo cho bản thân (Ảnh: Internet)
Khi trẻ tự chăm sóc và bảo quản các đồ đạc của mình, có trách nhiệm thu dọn đồ chơi hay thu dọn những gì trẻ bày bừa ra, trẻ sẽ gắn bó và biết nâng niu các đồ vật hơn, đồng thời cũng sống có trách nhiệm hơn.
Cha mẹ hãy hướng dẫn con cho đồ chơi lại vào giỏ bằng những lời nói nhẹ nhàng, 'rủ rê' như 'Bin cất cùng mẹ nhé, nhiều đồ chơi quá', 'Đồ chơi đằng kia xa quá, Bin nhặt rồi mang vào đây cho mẹ nhé'…
Quan trọng là phải có sự kiên nhẫn nhất định. Tất nhiên người lớn làm thì chỉ vài phút là xong, nhưng sẽ khiến trẻ trông chờ, ỷ lại nhiều. Với những công việc mới không thể yêu cầu trẻ làm tốt ngay được, đó là lúc cần sự động viên của cha mẹ.
2. Để trẻ có cảm hứng trong công việc
Khi cho trẻ làm việc nhà, cha mẹ không nên đặt yêu cầu quá cao, đòi trẻ phải làm việc nhà hoàn hảo như mình, điều quan trọng trong phương pháp giáo dục trẻ là biến lao động thành niềm vui, niềm tự hào của trẻ. Khi mới làm trẻ chắc chắn sẽ có sai sót, ví dụ như khi trẻ vo gạo, có làm vung vãi gạo hay đổ nước ra ngoài thì đừng la rầy, từ từ trẻ sẽ quen và làm mọi việc tốt hơn...
Đôi khi hãy biến công việc thành một trò chơi vận động nho nhỏ cho bé, đừng quá cứng nhắc bắt bé phải làm đúng thế này, thế kia, bé sẽ rất mau chán.
3. Tìm các thách thức khó hơn
Khi trẻ đã thành thạo một công việc nào đó, hãy đặt những 'thách thức' lớn hơn, giống như có những thang bậc mục tiêu để trẻ nâng cao kỹ năng của mình, đồng thời tạo niềm hứng thú mới. Có thể tặng trẻ những phần thưởng mới, xứng đáng. Chẳng hạn, nếu trẻ muốn cọ cốc nhựa, nên nói rằng trẻ hãy thử cọ làm sao cho nhanh và sạch hơn. Hoặc thay vì để bé nhổ cỏ dại trong vườn, hãy để trẻ xới đất hoặc trồng hoa.
Hãy dạy trẻ bằng sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn và khuyến khích (Ảnh: Internet)
Hãy hỏi ý kiến trẻ trong một số việc để trẻ nói lên suy nghĩ của mình, đồng thời 'lôi kéo' trẻ phụ giúp cha mẹ như cho trẻ cùng đi siêu thị và hỏi những món ăn ưa thích, giúp mẹ chuẩn bị nấu nướng một lẫn mỗi tuần, có thể là dịp cuối tuần.
Ngoài ra, có thể để bé dọn dẹp phòng, cùng người lớn trong nhà tổng vệ sinh, để trẻ làm những việc nhỏ như gấp khăn chẳng hạn…
4. Khuyến khích và ngợi khen
Quát mắng hay ép buộc không phải là cách cách để bé chịu làm việc nhà. Thay vì ra lệnh bắt bé làm thì cha mẹ nên nhẹ nhàng, ví dụ: 'Mẹ đang dở tay quá, con giúp mẹ quét nhà nhé'... Đồng thời, khiến bé tự tin với những thành quả của bé, chẳng hạn: 'Con tự gấp chăn à, trông đẹp quá'.
Ngoài ra không nên chỉ giao việc cho con rồi đi làm việc khác. Cha mẹ hãy ở cạnh khi con làm việc, nói chuyện cùng con, khi đó con sẽ có động lực làm việc, đồng thời cũng muốn thể hiện khả năng trước cha mẹ.
>> Xem thêm: Để bé hứng thú vào bếp cùng cha mẹ
NT (Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!