Mặc dù cha mẹ luôn cố gắng giữ cho con mình không bị chấn thương và làm cho con mình được an toàn nhất có thể, tuy nhiên trẻ không thể tránh khỏi những lần bị chấn thương nhẹ. Các bậc phụ huynh nên dạy trẻ có ý thức về tác hại của các tổn thương, biết cách giữ an toàn có thể làm giảm tần suất bị chấn thương ở nhà và cũng giúp trẻ ít cảm thấy sợ hãi khi bị đau.
Khi con bị đau, có nhiều cách để bạn giúp con. Tùy thuộc vào nguyên nhân, loại chấn thương gây đau và mức độ nghiêm trọng, cha mẹ có thể sử dụng phương pháp tâm lý hoặc thể chất hoặc thuốc giảm đau cho bé.
Phương pháp tâm lý
Bởi vì cảm xúc ảnh hưởng đến cảm nhận về mức độ đau đớn, những gì cha mẹ nói và cách trẻ miêu tả về cơn đau có thể ảnh hưởng đến cách trẻ phản ứng với cơn đau. Bạn hãy thừa nhận cơn đau của con: “Để ba/mẹ xem nào, con bị đau ở đâu?” và nói thật với con tình trạng: “Ba/mẹ nghĩ là con phải băng vết thương lại. Để bố/mẹ băng vết thương cho con nhé!”. Cách này có thể giúp con bạn bớt lo lắng và cường độ bớt đau.
Bạn nên yêu cầu con mô tả sự đau đớn (đau ở đâu, đau nhói hay đau quặn, v.v…), và mức độ cơn đau mà con bạn cảm thấy. Con bạn sẽ nghĩ là bạn tin những gì trẻ nói và có cảm giác kiểm soát được cơn đau nhiều hơn. Bạn phải thực sự lắng nghe những mô tả của con. Bạn nên để con bạn tham gia vào quá trình chữa trị vết thương càng nhiều càng tốt, ví dụ như bảo trẻ cầm giúp băng hoặc giúp bôi thuốc mỡ lên vết thương.
Nếu con của bạn sử dụng ngôn ngữ theo hướng cường điệu hóa khi mô tả sự đau đớn từ một chấn thương nhỏ, bạn hãy thừa nhận những mô tả của con, sau đó miêu tả lại theo hướng ít đáng báo động hơn cách nói của con. Ví dụ, nếu con bạn mô tả: “Đau quá! Đau chết mất!”, bạn nên trả lời lại với con: “Bố/mẹ nghĩ là con bị đau nhiều lắm phải không?”. Ngôn ngữ mà cha mẹ sử dụng nên lạc quan càng nhiều càng tốt và không được chứa bất cứ ngôn từ nào mà con bạn có thể xem xét, phê phán hoặc nghi ngờ .
Bạn cũng nên giữ bình tĩnh khi bị đau vì một đứa trẻ có một chấn thương nhỏ đã từng thấy cha mẹ của mình phản ứng thái quá có thể bắt chước làm giống như vậy. Suy nghĩ theo chiều hướng phản ứng thái quá này làm vết thương nhỏ dần dần sẽ trở nên đau đớn hơn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông tin về mức độ đau của con tại đây.
Trẻ em nên được hướng dẫn học kỹ thuật thư giãn để giúp trẻ giảm đau. Thở, hình dung, và phân tán sự chú ý đều là các chiến lược giảm đau hữu ích. Ngoài ra, bạn hãy thực hiện các hoạt động thực tế dưới đây nhé.
Phương pháp vật lý: nóng, lạnh, xoa bóp và tập thể dục
Làm nóng, lạnh và xoa bóp các vết thương có thể giúp giảm đau. Đổ nước lạnh chảy qua một vết xước hoặc vết cắt nhỏ vừa giúp làm sạch các vết thương vừa giúp làm mát vết thương bị đau rát. Bạn nên rót nước lên vết thương một cách nhẹ nhàng. Một miếng vải mát trên trán có thể có tác dụng giảm nhức đầu.
Tắm nước ấm, đặt một chai nước ấm, và miếng gạc nóng lên vết thương cũng có tác dụng làm giảm đau. Nhiệt kích thích máu lưu thông tốt hơn và đặc biệt có hiệu quả khi cơ bắp và khớp bị tê cứng, bầm tím, và bong gân.
Đá lạnh có thể ngay lập tức giảm đau hiệu quả khi bị thâm tím, co cơ và giãn cơ, bong gân và các vết cắn đốt của côn trùng. Đá lạnh có tác dụng như một thuốc gây tê nhẹ. Xen kẽ dùng đá và nhiệt nóng giúp giảm đau sưng, co thắt cơ và đau khớp hiệu quả.
Massage có thể hữu ích khi cơ bắp bị co giãn gây đau đớn. Những đụng chạm da chạm da như ôm ấp hay đặc biệt như khi một người mẹ chạm vào một đứa trẻ sơ sinh khi trẻ bị đau làm giảm sự lo lắng và đau đớn của trẻ.
Tập thể dục một cách nhẹ nhàng giúp bảo vệ cơ bắp tránh các chấn thương và khuyến khích hồi phục nhanh hơn tại các khu vực bị thương. Các bác sĩ vật lý trị liệu có thể cung cấp các lời khuyên và hướng dẫn chi tiết hơn cho bạn.
Thuốc giảm đau
Có nhiều loại thuốc không cần bác sĩ kê toa có thể điều trị các cơn đau nhẹ. Acetaminophen (Tylenol, Tempra) có tác dụng giảm các cơn đau nhẹ như đau đầu, đau răng và đau tai. Ibuprofen (Motrin, Advil) có tác dụng chống viêm và giảm đau do viêm khớp như bong gân, đau răng và nhức tai.
Cha mẹ nên thận trọng khi cho trẻ uống thuốc. Bạn nên đến khám và tư vấn với các dược sĩ để tìm hiểu thêm về các loại thuốc, thời gian và cách cho con uống thuốc. Bạn phải luôn luôn đọc nhãn thuốc và làm theo các hướng dẫn thật cẩn thận.
Bạn nên tham khảo những mô tả cách cho trẻ uống thuốc đúng cách và các thuốc giảm đau khác có thể cho trẻ dùng được khuyên dùng bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!