Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Nhiều nguy cơ khiến trẻ 'rước' bệnh nặng

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh cần biết rằng nếu chỉ cần bỏ tiêm vài mũi vắc-xin, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe…

Nhưng thời gian gần đây, hiện tượng 'chống' tiêm vắc-xin, 'bài trừ' tiêm vắc-xin cho trẻ bỗng diễn ra trong cộng đồng mạng khiến không ít phụ huynh lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiêm vắc-xin đối với trẻ nữa hay không? Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh cần biết rằng nếu chỉ cần bỏ tiêm vài mũi vắc-xin, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe…

Nhiều trẻ có di chứng trầm trọng vì không tiêm vắc-xin

Tại Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW, bé trai Nguyễn Quốc Đ. (4 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện hồi đầu tháng 6, sau 17 ngày điều trị bằng thở ôxy, dùng thuốc chống phù não, cháu Đ. đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động. Người nhà cho biết, cháu Đ. chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh này.

Theo lời người nhà, trước đó 3 ngày, cháu Đ. xuất hiện sốt cao 400C. Gia đình đã cho con dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. 2 ngày sau, cháu trở nên li bì, co giật nhiều. Trẻ được đưa đến BV Nhi TW khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé Đ. mắc viêm não Nhật Bản.

Được chuyển lên BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh từ tháng 10/2016 nhưng đến tháng 7/2017, bé Thái Quốc H. (12 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) vẫn phải nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt của khoa Nhiễm - Thần kinh. Theo các bác sĩ, bệnh nhân H. mắc viêm não Nhật Bản và dù đã được điều trị trong thời gian dài nhưng vẫn chưa thể bỏ được máy thở. 'Phụ thuộc vào máy thở kéo dài như thế này, tiên lượng bệnh nhi sẽ bị bội nhiễm dẫn đến tử vong' - BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Nhiều nguy cơ khiến trẻ 'rước' bệnh nặng

Theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh nếu chỉ cần bỏ tiêm vài mũi vắc-xin, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe...Ảnh: TM

Chị Trần Thị Yến Ng., mẹ của bệnh nhân H. cho biết, bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vắc-xin nào và bản thân chị cũng chưa từng nghe nói đến bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh vì không tiêm phòng vắc-xin đang điều trị tại BV Nhi đồng 1.

Tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), hình ảnh người mẹ H.T.H. (Gia Nghĩa, Đăk Nông) liên tục tự trách mình, hao gầy vì bệnh tật của đứa con trai 12 tuổi khiến người khác đau xót. Con trai chị bị động kinh, yếu tay chân vì viêm màng não đã hơn 6 tháng nay. Từ ngày con mắc bệnh, chị H. không dám rời khỏi con vì sợ xảy ra chuyện nguy hiểm.

Chị H. cho biết, do chị cứng nhắc không nghe lời mọi người, bỏ qua việc tiêm vắc-xin viêm não cho con vì sợ con bị tai biến sau tiêm. 'Bây giờ hối hận quá rồi, không biết làm gì bù đắp cho tuổi thơ của thằng bé' - chị H. nói trong nước mắt.

Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe con em mình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc-xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ với nhiều loại vắc-xin được sử dụng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi,... đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước đây.

Ấy vậy mà vẫn có nhiều bậc phụ huynh vì nghe những thông tin bài trừ vắc-xin đã cả tin không cho con em mình tiêm phòng. PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur  TP. Hồ Chí Minh  cho rằng, khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình. Đồng thời, việc chống lại vắc-xin, không tiêm vắc-xin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.

Cũng theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng. Do vậy, xã hội càng làm tốt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bao nhiêu thì dịch bệnh càng giảm xuống ở ngưỡng thấp bấy nhiêu. Nếu không thực hiện tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ trở lại và bùng phát rất nhanh bởi việc giao lưu, đi lại hiện nay rất phổ biến.

Còn trên trang Facebook cá nhân, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh đã bức xúc: 'Không có vắc-xin thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều, bị đậu mùa rỗ mặt cả đời tuổi trẻ, sốt bại liệt teo hẳn một chân cả đời. Nếu tự anti vắc-xin cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc-xin kiểu nhóm, kiểu hùa thì có tội với một thế hệ'.

BS. Khanh cũng cho biết, hơn 20 năm làm trong ngành nhiễm, ông là người thấu hiểu rất nhiều về tầm quan trọng của vắc-xin. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà ho sặc sụa xanh mặt; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; nhìn một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết, rồi phải sống đời sống thực vật... mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vắc-xin nặng nề như thế nào...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!