Ngày 24/3, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết Bộ Y tế vừa đề nghị địa phương nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika từ chưa có ca nhiễm lên mức độ đã có ca nhiễm (mức độ 2).
Làm việc với Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dù đến nay tỉnh này chưa phát hiện có ca nhiễm nào nhưng nguy cơ nhiễm vi-rút Zika nơi đây rất lớn.
Bộ đề nghị địa phương này triển khai đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Zika theo quy định. Tăng cường giám sát, lấy mẫu ở các bệnh viện, khu du lịch và cộng đồng xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để khoanh vùng, chữa bệnh sớm.
Lorrany Emily da Silva, em bé bị dị tật đầu nhỏ, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Oswaldo Cruz, thành phố Recife, Brazil. Ảnh: Reuters
Thông tin mới nhất Bộ Y tế vừa nhận từ Australia thông báo, có một công dân của nước này sau khi đi du lịch ở Việt Nam trở về đã phát hiện nhiễm vi-rút Zika. Vị khách này đến Việt Nam du lịch ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP HCM.
Trước tình hình này, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh do vi-rút Zika. Theo đó, Bệnh viện lập Ban chỉ đạo và đường dây nóng 1900-9095 phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Dự kiến ngày 28/3, ngành y tế Khánh Hòa tổ chức phát động chiến dịch 'Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết' trên toàn địa bàn.
Vi-rút Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Đặc biệt, những bà mẹ đang mang thai nhiễm Zika vi-rút sẽ gây biến dạng bào thai. Con sinh ra có não bộ nhỏ hơn bình thường (gọi là tật đầu nhỏ).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!