Bệnh còi xương thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi do hệ xương phát triển mạnh; ở trẻ đẻ non, đẻ thiếu cân do dự trữ vitamin thấp, do hệ thống men tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin D có hoạt tính yếu; ở trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp.
Biểu hiện triệu chứng bệnh còi xương:
- Biểu hiện thần kinh: thường xuất hiện sớm và ở các thể cấp tính như trẻ quấy khóc, ngủ không yên giấc hay giật mình. Rối loạn thần kinh thực vật: vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ (ra mồ hôi trộm). Trẻ có thể rụng tóc (hình vành khăn). Nếu vạch nhẹ trên da thường có vết đỏ rộng.
- Biểu hiện ở xương: xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp lâu liền; có các bướu trán, đỉnh làm đầu to; chậm mọc răng; lồng ngực có chuỗi hạt sườn, nhô ra như ngực gà; đầu xương tay chân bè ra tạo nên dấu hiệu vòng cổ tay, cổ chân; các xương bị cong… Đây thường là biểu hiện ở giai đoạn muộn.
- Biểu hiện ở cơ và dây chằng: cơ nhẽo, bụng to bè, dây chằng lỏng lẻo.
- Biểu hiện toàn thân: trẻ chậm biết lẫy, ngồi, bò, chậm biết đi. Đối với trẻ bị còi xương nặng có dấu hiệu thiếu máu.
Các xét nghiệm: biến đổi sinh hóa máu, nước tiểu và X-quang.
Bệnh còi xương có thể tiến triển cấp tính hoặc bán cấp. Thời kỳ đầu biểu hiện qua triệu chứng thần kinh, tăng photphataza kiềm trong máu nhưng dấu hiệu về xương chưa rõ trên lâm sàng cũng như X-quang. Ở giai đoạn toàn phát thì có đầy đủ các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng đã kể ở trên.
Để phòng bệnh và điều trị còi xương, BS. Nguyễn Thị Minh Huệ - Sở Y tế Hà Nội cho biết:
'Trong thời gian cho con bú, để điều trị bệnh còi xương, các mẹ cho trẻ tắm nắng và hoạt động ngoài trời. Cần chú ý chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Vào giai đoạn cuối của thai kỳ nên bổ sung thức ăn giàu vitamin D hoặc uống thêm dầu cá.
Vitamin D thường dùng là vitamin D2, D3 với liều lượng 2.000-4.000 đơn vị/ngày trong 3-6 tuần. Trường hợp bệnh cấp tính, nhất là khi kèm theo một bệnh nhiễm khuẩn cấp như viêm phổi, tiêu chảy, có thể cho 10.000 đơn vị/ngày trong 10 ngày.
Ngoài nguyên nhân do còi xương, triệu chứng khóc và giật mình của trẻ có thể do các nguyên nhân khác như: nơi ngủ bị lạnh quá hoặc nóng quá, vệ sinh không sạch sẽ; bé bị dị ứng (nổi mẩn đỏ trên da gây ngứa ngáy); bé bị đói, đầy bụng, trướng hơi hoặc tè ướt tã…
>>Xem thêm:Hỏi đáp về bệnh còi xương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!