BV Thạch Thất: 11 phút 'thần tốc' cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch

Mang thai - 05/04/2024

Một sản phụ trẻ, mang thai 37 tuần, bị vỡ tử cung tự phát vừa được các bác sĩ BVĐK huyện Thạch Thất cứu sống ngoạn mục.

Một sản phụ trẻ, mang thai 37 tuần, bị vỡ tử cung tự phát vừa được các bác sĩ BVĐK huyện Thạch Thất cứu sống ngoạn mục, chỉ trong vòng 11 phút từ khi nhập viện bệnh nhân đã được chuyển lên phòng mổ, kíp trực đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Điều đặc biệt, do sản phụ còn rất trẻ và mang thai lần đầu, các bác sĩ đã cố gắng bảo toàn được khả năng làm mẹ.

Sáng 10/11, đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã đến khen thưởng kíp trực Ngoại - Sản, BVĐK huyện Thạch Thất đã cứu sống mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung.

BV Thạch Thất: 11 phút 'thần tốc' cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch

Ông Nguyễn Đình Anh (áo đen) - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng, Bộ Y tế chúc mừng kíp trực.

11 phút 'thần tốc' giữ tính mạng cho cả mẹ lẫn con

Đã 4 ngày trôi qua nhưng BSCK II. Vương Trung Kiên, Giám đốc BVĐK huyện Thạch Thất vẫn chưa thể nào quên giây phút định mệnh cứu sống mẹ con sản phụ trẻ mới 22 tuổi lần đầu làm mẹ ấy.

BS. Kiên kể: Vào hồi 21 giờ 12 phút, ngày 6/11/2017, BVĐK huyện Thạch Thất đã tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị Thuyết, 22 tuổi, quê quán xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, qua khám thấy có dấu hiệu vỡ tử cung.

Ngay lập tức, Bác sĩ Phạm Phi Long - Trưởng kíp trực Ngoại - Sản xin hội chẩn trực tiếp với Giám đốc thống nhất chẩn đoán: Vỡ tử cung tự phát/ thai 37 tuần. Nhận định tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa từng phút, BSCK II Vương Trung Kiên - Giám đốc bệnh viện - trực lãnh đạo đã chỉ đạo triển khai mổ cấp cứu khẩn cấp, bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng mổ xử trí khẩn trương, chưa kịp làm bệnh án, xét nghiệm cũng như thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu, tổng thời gian từ lúc vào viện cho đến khi sản phụ lên bàn mổ là 11 phút.

Trong quá trình phẫu thuật Bác sĩ Long thấy mặt sau tử cung có hai đường vỡ, ổ bụng ngập máu và nước ối nhưng may mắn thai nhi vẫn còn cử động kíp phẫu thuật tiến hành lấy thai ngay, xử trí cấp cứu thai nhi ổn định đồng thời cố gắng bảo tồn tử cung vì sản phụ còn rất trẻ và mang thai lần đầu.

Nhiều chuyên gia sản khoa nhận định, kỹ thuật khâu đường vỡ mặt sau tử cung cho sản phụ là một kỹ thuật khó đặc biệt là với các bác sĩ tuyến huyện. Tuy nhiên các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện thành công. Có thể nói đây là một điều tuyệt vời dành cho các thầy thuốc bệnh viện về sự nỗ lực cố gắng trau dồi chuyên môn cũng như y đức của mình để có thể phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời cứu sống người bệnh.

BV Thạch Thất: 11 phút 'thần tốc' cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch

Mẹ con sản phụ Thuyết đang điều trị tại BVĐK huyện Thạch Thất.

BV Thạch Thất: 11 phút 'thần tốc' cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch

Ông Nguyễn Đình Anh thăm hỏi sản phụ Thuyết.

Làm chủ được nhiều kỹ thuật mới

BS. Kiên cho biết, BVĐK huyện Thạch Thất là bệnh viện hạng II, với chỉ tiêu giường kế hoạch được giao năm 2017 là 230 giường bệnh, giường thực kê là 366 giường. Bệnh viện gồm 18 khoa, phòng với tổng số 263 cán bộ. Trong đó gồm 54 bác sĩ (3 BSCKII, 5 BSCKI và 2 ThS). Tổng số thẻ bảo hiểm mà bệnh viện quản lý là gần 70000 thẻ.

Tuy là BV tuyến huyện nhưng thời gian vừa qua, BVĐK huyện Thạch Thất đã thực hiện triển khai được nhiều kỹ thuật mới như: Tán sỏi qua da bằng laser, phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới, Phẫu thuật lấy sỏi niệu quản 1/3 trên, mổ cắt gan, cắt túi mật... số lần thực hiện thủ thuật y học cổ truyền 6 tháng đầu năm là 18829 lượt nhiều hơn cùng kì năm trước là 3177 lượt, số lần thực hiện thủ thuật Ngoại 6 tháng đầu năm là 2449 lượt tăng gấp 1,28 lần so cùng kỳ năm trước, tổng số lượt người bệnh điều trị ngoại trú tăng 6632 bệnh nhân tăng gấp 2,14 lần, tổng số phẫu thuật tăng 210 bệnh nhân tăng gấp 1,33 lần năm trước tuy nhiên tổng số lần khám bệnh giảm 11406 lần so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, BV cũng đã liên tiếp thành công trong các ca mổ khó, phức tạp như: Tháng 2/2017 một bệnh nhân bị chấn thương ngực, bụng, xuyên thủng tim đã được kíp trực mổ cứu sống với vết thương tim rách ở thành sau tâm thất phải 1 cm. Từ tháng 6/2017 đến nay đã có 3 bệnh nhân được mổ phẫu thuật thay khớp háng thành công.

Mới đây nhất là ca mổ cấp cứu sản phụ hi hữu nói trên - 1 bệnh nhân nữ 22 tuổi có thai 37 tuần, bị đau bụng đột ngột với chẩn đoán và hội chẩn vỡ tử cung tự phát, chỉ trong vòng 11 phút từ khi nhập viện bệnh nhân đã được chuyển lên phòng mổ, kíp trực đã cứu sống được cả mẹ lẫn con.

Những thành công này một lần nữa khẳng định tay nghề của các bác sĩ BV tuyến cơ sở ngày càng được nâng cao giúp cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, tạo niềm tin cho người bệnh yên tâm điều trị.

Theo các chuyên gia sản khoa, vỡ tử cung là một tai biến rất nặng trong sản khoa với tỉ lệ tử vong cao và hay xảy ra sau một thời gian thai còn sống trong tử cung. Thường những trường hợp vỡ tử cung, thai nhi sẽ chết ngay sau đó, còn người mẹ cũng có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa tai biến này cần có sự theo dõi từ cả thai phụ và thầy thuốc. Đối với thai phụ: Mọi thai phụ phải thực hiện khám thai định kỳ và phải đăng ký đẻ tại cơ sở y tế có nữ hộ sinh theo dõi đỡ đẻ hoặc tại các khoa sản bệnh viện. Trường hợp có nguy cơ cao như khung chậu hẹp, méo, sẹo mổ tử cung, đẻ nhiều lần cần được chuyển đẻ ở bệnh viện có chuyên khoa sản để được can thiệp kịp thời bằng foocxep hoặc mổ đẻ tránh nguy cơ vỡ. Mọi thai phụ nên thực hiện sinh đẻ kế hoạch, không nên đẻ dày quá và không đẻ nhiều lần vì tử cung nhão cũng dễ vỡ. Nếu đã mổ sinh thì nên có thai lại cách nhau 5 năm.

Đối với cán bộ đỡ đẻ: Phải theo dõi thật sát các sản phụ đang chuyển dạ để tiên lượng được các ca đẻ khó và gửi đi tuyến trên kịp thời; phải rất cẩn thận khi dùng thuốc tăng co oxytoxin vì dùng trước khi thai ra có thể gây vỡ tử cung; không được kéo thai, xoay thai, cặp kéo foocxep nếu chưa được huấn luyện, nếu không có chỉ định và không đủ điều kiện kỹ thuật.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!