Mụn cóc là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do vi-rút papilloma người (HPV) gây ra. vi-rút này làm cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh.
Mụn cóc là những nốt sần nhỏ, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp.
Mụn cóc có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám, thường có 1 hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, nhưng thực ra chúng chính là những mao mạch bị huyết khối.
Mụn thường không đau và hay gặp nhất ở thanh thiếu niên. Bệnh dễ lây cho người khác và lan ra xung quanh. Tuy nhiên không phải ai tiếp xúc với HPV đều sẽ bị mụn cóc, vì mỗi người có đáp ứng miễn dịch khác nhau.
Ảnh minh họa
Tùy theo chủng vi-rút HPV khác nhau mà có thể gây mụn cóc ở các vị trí khác nhau (bộ phận sinh dục, bàn chân, dưới móng,…) và các tổn thương khác nhau như những sẩn, u nhỏ trên da hoặc niêm mạc.
Người bệnh tuyệt đối không được châm chích vào mụn cóc vì nó có thể làm lây lan vi-rút hoặc nhiễm trùng, luôn phải giữ chúng sạch và khô.
Thêm vào đó, người bị mụn cóc không tự ý dùng thuốc mà nên đến Viện Da liễu hoặc Trung tâm Da liễu để được điều trị và ngăn ngừa bệnh lây lan.
Bác sĩ có thể dùng thuốc chấm tại chỗ hoặc áp dụng 1 trong những biện pháp sau đây tùy vào tình trạng tổn thương của bệnh:
- Áp lạnh: Cách này còn được gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng. Bác sĩ sẽ phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cóc. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, sau đó nó sẽ bong ra trong vòng khoảng 1 tuần.
- Cantharidin: Cantharidin là 1 chất được chiết xuất từ bọ ban miêu. Chất này thường được phối hợp với 1 số hóa chất khác để bôi lên mụn cóc. Thuốc sẽ làm cho da phồng rộp và nhổ bật mụn cóc khỏi da.
- Vi phẫu: Mụn cóc được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho những trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.
- Phẫu thuật laser: Thông thường biện pháp này chỉ dành cho những trường hợp mụn cóc khó chữa vì khá tốn kém và có thể gây ra sẹo.
BS. Nguyễn Thị Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!