Các thuốc chữa bệnh thường gặp mùa mưa lũ

Cần biết - 04/30/2024

Mặc dù hiện nay ở hầu hết các vùng bị ngập, lụt do áp thấp nhiệt đới vừa qua, mực nước đã rút nhiều nhưng người dân có thể phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe như nguy cơ mắc các bệnh về da do tiếp xúc với nước bẩn, cảm lạnh, chảy nước mũi, sốt...

Vậy với các trường hợp này thì việc dùng các thuốc như thế nào để hồi phục sức khỏe nhanh nhất?

Tiêu chảy do Rotavirus

Thiếu nước sạch để ăn, uống nên người dân vùng lũ dễ mắc bệnh đường ruột, trong đó bệnh tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ là bệnh có nguy cơ rất cao. Khi bị bệnh, trẻ có biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy nhưng bệnh có thể gây nguy kịch cho tính mạng người bệnh vì mất nước và chất điện giải.

Để điều trị, ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 8 ngày và việc điều trị chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước nên ưu tiên hàng đầu là dung dịch muối đường để bổ sung nước và cả chất điện giải (còn gọi là muối khoáng như Na, kali, chlor...) bị mất qua phân và chất nôn mửa, dung dịch uống thường sử dụng là dung dịch oresol.

Cần lưu ý là khi dùng oresol phải pha đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu pha đặc quá, trẻ có thể bị ngộ độc muối, nếu pha loãng quá sẽ không có tác dụng. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài gây ứ đọng, chướng ruột.

Các thuốc chữa bệnh thường gặp mùa mưa lũ

Bôi thuốc chữa ghẻ, bệnh lý thường gặp sau mưa, lũ

Cảm lạnh và một số biểu hiện sốt

Cảm lạnh có thể do vi khuẩn hoặc virut nhưng đôi khi do cơ thể gặp phải thời tiết thay đổi thất thường từ nắng nóng chuyển sang mưa, gió, lạnh cơ thể thích nghi không kịp, nhất là trẻ em, người cao tuổi sức đề kháng kém.

Bên cạnh đó, lũ lụt làm môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển gây ra một số bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết. Loại thuốc chủ yếu sử dụng trong các trường hợp sốt này là loại hạ sốt thông thường, an toàn hơn cả là paracetamol đơn chất, dạng viên hoặc gói bột.

Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc aspirin hoặc các loại không steroid (meloxicam, mobic...) để hạ sốt do có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt hơn là có một số bệnh phải chống chỉ định với các loại thuốc này (bệnh dạ dày, hen suyễn, sốt xuất huyết...).

Các thuốc chữa bệnh thường gặp mùa mưa lũ

Thuốc kháng nấm thường được dùng khi bị nước ăn chân

Các bệnh về da

Do tiếp xúc với nước bẩn, vệ sinh cá nhân không được tốt bởi thiếu nước sạch trong sinh hoạt rất dễ gây nên bệnh ngoài da như viêm nang lông, nước ăn chân, mẩn ngứa... Trong đó, thường gặp nhất là bệnh nước ăn chân. Đây là bệnh do vi nấm Trichophyton Mentagrophytes và Trichophyton Rubrum gây ra, thường gặp ở những người di chuyển nhiều khi trời mưa, lụt và là bệnh có thể lây lan tới những vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như bẹn (do bơi, lội trong nước bẩn vùng lũ, lụt). Để đối phó với bệnh nước ăn chân, có thể dùng dung dịch ASA hoặc dung dịch BSI 2%.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trong và sau mưa lũ do thời tiết ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn. Có thể dùng thuốc nhỏ chloramphenicol 0,4%, các thuốc sát khuẩn mắt thimerosan, agryzol 1%. Ngoài ra, các kháng sinh khác nếu có sẵn trong nhà như mỡ tetracyclin 1%, gentamycine 0,3%... Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, nếu bệnh không thuyên chuyển hay có vấn đề gì đặc biệt như đau nhức, chói cộm, nhìn mờ sau khi đã dùng thuốc thì nên đến khám chữa tại các cơ sở nhãn khoa.

Các bệnh mạn tính

Những người đã, đang mang trong mình bệnh mạn tính về hô hấp như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, đặc biệt là bệnh tắc phổi mạn tính (người lớn), hen (trẻ em gọi là hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt; người lớn gọi là hen suyễn) hay bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường... khi gặp thời tiết bất lợi như khi lũ lụt tràn về thiếu quần áo mặc ấm, chăn đắp, thêm vào đó thiếu thuốc sẽ có nguy cơ bệnh tăng nặng rất nguy hiểm. Do đó, với các trường hợp này việc chuẩn bị và luôn mang theo thuốc hàng ngày bên người để đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định, không bị gián đoạn.

TS.BS. Đặng Bùi Bảo Linh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!