Những bệnh thường gặp ở trẻ khi Thu về

Kỹ năng sống - 04/30/2024

Đó là cảm cúm, viêm đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Viêm, đau họng, tiêu chảy…

Mùa Thu mát mẻ và dễ chịu nhưng cũng là mùa trẻ thường hay bị ốm, mệt ỏi do sự thất thường của thời tiết.

Nguyên nhân: Vào mùa Thu, sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa đêm và ngày, cộng với thời tiết hanh khô, gió mạnh là điều kiện cho một số loại vi-rút sinh sôi làm giảm sức đề kháng nhất là đối với trẻ em khiến cho khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là viêm, đau họng.

Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ mà bạn nên lưu ý để chăm sóc và phòng tránh cho trẻ.

Cảm cúm

Cảm do vi-rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do vi-rút gây nên, bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh.

Triệu chứng: Trẻ thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.

Phòng tránh: Hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên cho trẻ nghỉ học vài ngày. Hiện đã có vắc-xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.

Những bệnh thường gặp ở trẻ khi Thu về

Sốt phát ban

Triệu chứng: Biểu hiện rõ nhất là trẻ sốt và nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.

Phòng tránh: Cần cho trẻ tiêm phòng sởi và rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Viêm đường hô hấp

Dấu hiệu: Trẻ có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ.

Phòng tránh: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước, kể cả nước ấm.

Những bệnh thường gặp ở trẻ khi Thu về

Sốt xuất huyết

Dấu hiệu: Trẻ sốt cao đột ngột và liên tục (39-40°C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu…

Phòng tránh: Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bạn nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày; không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ; đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).

Bạn nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ vỡ…); thay nước bình hoa mỗi ngày; đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào bát nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi.

Viêm, đau họng

Dấu hiệu: Sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và hay thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch…

Phòng tránh: Cần đến bác sĩ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Ở nhiều trường hợp, học sinh có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.

Tiêu chảy

Thường gặp ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Vi-rút gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân – miệng.

Dấu hiệu: Thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Những bệnh thường gặp ở trẻ khi Thu về

Phòng tránh: Để phòng bệnh, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin. Bạn cần đảm bảo vệ sinh cho trẻ trong ăn uống. Thức ăn vừa nấu xong, nên cho trẻ ăn ngay.Với thức ăn chưa dùng hết, bảo quản tủ lạnh, nếu muốn dùng cho trẻ vào bữa sau thì cũng cần đun sôi kỹ lại. Ngoài ra, cũng cần cảnh giác không cho trẻ tiếp xúc với những động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, gà hay như cả những loài vật không có lông khác như: Rùa, ốc, ba ba bởi đây là những loài động vật thường chứa mầm bệnh có thể lây truyền từ động vật qua bàn tay vào thức ăn.

Thủy đậu

Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Bệnh lây lan do người bệnh ho phát tán vi-rút trong không khí và người lành hít phải.

Triệu chứng: Triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 - 21 ngày từ khi nhiễm vi-rút. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.

Phòng tránh: Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng. Nên phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin cho trẻ.

Ảnh minh họa: internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!