Cách chữa chuột rút khi đi ngủ

Bài thuốc dân gian - 05/02/2024

Vận động trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến cơ thể mệt mỏi, rối loạn nước điện giải, dẫn tới chuột rút.

Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp cơ, khiến người bệnh rất khó cử động. Bất kỳ bắp cơ nào cũng có thể bị chuột rút, nhưng thường xảy ra ở vùng cơ thường xuyên vận động như: cẳng chân, đùi, bàn chân, bàn tay, cơ bụng, cơ lưng...

Bình thường, chuột rút chỉ gây đau, khó chịu, tuy nhiên có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp như đang bơi, đang lái xe, đang ngồi gần bếp lửa, lò rèn, hoặc đang làm các công việc cần độ chính xác cao và nguy hiểm.

Nguyên nhân bị chuột rút thường xảy ra khi cơ thể vận động quá sức, hoặc vận động đột ngột mạnh mà không được khởi động trước, đặc biệt là khi mệt mỏi, khát nước, đói. Do vậy chuột rút hay xuất hiện những đối tượng như: vận động viên thể thao, người lao động nặng, người leo núi, phụ nữ mang thai...

Cách chữa chuột rút khi đi ngủ

Ảnh minh họa

Bệnh cũng thường xảy ra vào ban đêm, hay gặp ở người mà ban ngày vận động nhiều, lao động nặng, cũng có thể ở người quá ít vận động (như ngồi lâu, đứng lâu ở một tư thế), căng thẳng... Vận động trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến cơ thể bị mệt mỏi, rối loạn nước điện giải, dẫn tới chuột rút.

Ngoài ra, có thể xuất hiện chuột rút do sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, corticoid, statin... hoặc bị một số bệnh lý: bệnh nội tiết, tăng huyết áp, bệnh thận, parkinson...

Mọi người có thể tham khảo một số biện pháp sau để phòng ngừa chuột rút:

- Khi bị chuột rút: xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ đau, có thể xoa thêm dầu nóng. Kéo giãn phần cơ bị đau để chống lại sự co cơ do bị chuột rút gây nên.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất (magiê, kali...). Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Nên uống nước đầy đủ, tốt nhất bổ sung bằng nước hoa quả, nước khoáng.

- Thực hiện một số động tác vận động, tập luyện nhẹ nhàng trước khi đi ngủ để giúp điều hoà khí huyết.

- Nếu hay bị chuột rút ở vùng bắp chân thì nên kê cao chân hơn một chút khi ngủ nhằm giúp tăng cường lưu thông máu. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.

- Cố gắng giảm căng thẳng. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện.

- Ngoài ra, cần điều trị triệt để các bệnh có liên quan có thể gây chuột rút.

Cũng nên lưu ý, trong trường hợp thỉnh thoảng mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút kéo dài, gây đau đớn thì bạn cần sớm tới cơ sở y tế để khám kiểm tra và điều trị thích hợp.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!