Cách hạn chế sổ mũi, ngạt mũi cho trẻ

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi nên xịt nước muối sinh lý, sau đó dùng các dụng cụ hút nước mũi, rồi nhỏ mũi bằng các loại thuốc dành riêng cho trẻ em.

Mùa đông xuân, con tôi rất hay bị chảy nước mũi, ngạt mũi nên cháu quấy khóc và kém chơi, về đêm cháu toàn thở bằng miệng và trằn trọc khi ngủ. Tôi có cho cháu dùng thuốc, nhưng chỉ đỡ vài ngày là bệnh lại tái phát. Rất mong được bác sĩ giúp đỡ.

Lê Hải Hòa (Thái Nguyên)

Do sức đề kháng của trẻ còn rất kém, khả năng thích nghi với môi trường không cao, nên khi mùa đông xuân khí hậu ẩm ướt, lạnh... trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh mũi họng.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh mũi họng là sổ mũi, kèm theo thân nhiệt cao hơn một chút. Trẻ sẽ quấy khóc, kém ăn do bị ngạt mũi.

Nếu không ngăn chặn sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng dẫn tới viêm mũi họng, viêm phế quản.

Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi nên xịt nước muối sinh lý, sau đó dùng các dụng cụ hút nước mũi, rồi nhỏ mũi bằng các loại thuốc dành riêng cho trẻ em.

Tránh dùng các thuốc có dầu và các loại thuốc làm co mạch máu. Nếu nước mũi của trẻ có màu vàng, chứng tỏ trẻ đã bị nhiễm khuẩn.

Nếu kèm theo sốt, thì ngoài xịt mũi như trên cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.

Để tránh các bệnh đường mũi họng cho trẻ, ngoài việc giữ ấm, nhất là vùng họng và chân tay, nên bổ sung thêm cho trẻ vitamin và sắt, không khí trong phòng trẻ phải khô, thoáng; không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa hay khói thuốc lá.

Nên khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!