Vì sao không nên dùng thuốc co mạch mũi kéo dài?

Cần biết - 11/24/2024

Em năm nay 27 tuổi, gần đây em bị ngạt mũi, chảy nước mũi rất khó chịu nên đã đi khám và được bác sĩ cho thuốc điều trị có thành phần xylometazolin.

Em năm nay 27 tuổi, gần đây em bị ngạt mũi, chảy nước mũi rất khó chịu nên đã đi khám và được bác sĩ cho thuốc điều trị có thành phần xylometazolin. Khi dùng, em thấy rất hiệu quả nhưng vì sao bác sĩ dặn em không được dùng thuốc này quá 7 ngày mà phải khám lại để kiểm tra tình trạng bệnh?

Nguyễn Hải Nam(Ninh Bình)

Vì sao không nên dùng thuốc co mạch mũi kéo dài?

Khám điều trị bệnh lý ở mũi cho bệnh nhân.

Ngạt mũi là hiện tượng một hay cả hai lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn bít khiến người bệnh không thể thở ra dễ dàng, nhiều khi phải thở bằng miệng. Nhưng việc làm này không lọc sạch được không khí nên dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây nên viêm họng, viêm thanh quản, khí phế quản và phổi. Bên cạnh đó, ngạt mũi còn gây ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ, một số trường hợp còn gây ù tai, giảm khả năng nghe do viêm phù nề và mủ đọng, làm tắc nghẽn đường thông giữa mũi và tai. Ngạt mũi có thể cấp tính hoặc mạn tính, nếu ngạt mũi mạn tính có thể gây biến dạng khuôn mặt, hình thể như: hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô, lồng ngực xẹp... Một trong những loại thuốc thường được sử dụng để khắc phục triệu chứng này là thuốc có chứa thành phần xylometazolin. Đây là chất kích thích thần kinh giao cảm, có tác dụng co mạch bằng cách làm giảm sưng và tắc nghẽn khi tác động lên màng nhầy.

Thuốc được sử dụng cho các trường hợp bị chảy nước mũi do dị ứng, kích ứng xoang, hoặc cảm lạnh thông thường. Khi dùng thuốc này, người bệnh dễ dàng hết ngạt mũi và nước mũi hết chảy giàn giụa nên rất thích. Tuy nhiên, khi dùng thuốc không nên dùng quá 7 ngày vì nếu lạm dụng dễ gây hiện tượng quen thuốc, thuốc không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây hiện tượng “bật lại”, tức là lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây ngẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Mặt khác, không những thuốc có tác dụng tại chỗ mà còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, bởi vậy càng không nên dùng liều cao dài ngày.

Ngạt mũi có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể do viêm nhiễm như viêm mũi họng, viêm xoang..., do chấn thương, dị vật mũi... chứ không chỉ do cảm lạnh hay cảm cúm thông thường. Do vậy, sau thời gian dùng thuốc được khuyến cáo mà bạn còn ngạt mũi thì không nên tiếp tục dùng thuốc mà có thể khắc phục bằng cách sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi trước khi có kế hoạch điều trị phù hợp của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!