Cách phòng tránh hội chứng Rubella bẩm sinh

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Mẹ cần có kế hoạch tiêm phòng khoảng 1 tháng trước mang thai. Khi đã mang thai cần tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng do các vi khuẩn gây ra ngày càng giảm dần nhờ các thành tựu y học, đặc biệt là tiêm chủng thì các bệnh lý do vi-rút gây ra vẫn còn rất ít biện pháp khống chế nên đang ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều bệnh do vi-rút tuy không nguy hiểm khi xảy ra ở trẻ lớn và người trưởng thành, nhưng lại rất nguy hiểm nếu xảy ra trong thời kỳ bào thai và sơ sinh. Trong số những bệnh đó là bệnh do vi-rút Rubella và cytomegalo vi-rút (CMV) gây nên, đặc biệt là hội chứng Rubella bẩm sinh (HCRBLBS).

Vi-rút Rubella

Rubella là 1 vi-rút có nhân RNA thuộc họ toga vi-rút. Người là cơ thể nhiễm duy nhất của vi-rút này. Nhiễm Rubella sẽ gây ra hội chứng giả cúm kèm theo phát ban sau 2-3 tuần ủ bệnh. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau mỏi cơ, đau khớp, phát ban từ mặt lan xuống toàn thân và chân tay trong 2-3 ngày, kèm theo nổi hạch nhỏ ở vùng sau tai, vùng chẩm và cạnh cổ. Vi-rút biến mất khỏi cơ thể sau khoảng 7 ngày kể từ khi phát ban.

Khoảng 1/3 người nhiễm vi-rút này không có triệu chứng gì và thường có khoảng 10-20% dân chúng không có miễn dịch tự nhiên do chưa bị nhiễm Rubella. Bệnh ít gây hậu quả đáng kể trên lâm sàng, trừ khi xảy ra ở phụ nữ đang mang thai trong nửa đầu thai kỳ, vì sẽ gây sảy thai, thai chết lưu hoặc HCRBLBS ở trẻ. Bệnh xảy ra quanh năm, lây lan qua đường hô hấp từ nguồn lây là những người nhiễm vi-rút không triệu chứng và ở trẻ em nhiễm vi-rút từ trong bụng mẹ. Nguyên nhân là ở những trẻ này, vi-rút Rubella có thể tồn tại nhiều tháng sau sinh.

Ở những nước không tiêm phòng, bệnh xuất hiện có tính chu kỳ 6-9 năm, dưới dạng các vụ dịch nhỏ tản phát ở những nơi sống đông đúc như quân đội, trường học (chủ yếu ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn và tiểu học), khu công nghiệp chế xuất, trại nuôi dưỡng. Miễn dịch tự nhiên xuất hiện dưới dạng IgM xuất hiện sớm trong những tuần đầu nhiễm Rubella và tồn tại vài tháng và dưới dạng IgG bền vững suốt đời.

Cách phòng tránh hội chứng Rubella bẩm sinh

Hội chứng Rubella bẩm sinh

Những phụ nữ chưa có miễn dịch tự nhiên do chưa từng nhiễm Rubella nếu khi mang thai bị nhiễm thì con của họ nếu sinh ra sẽ có rất nhiều nguy cơ bị HCRBLBS. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của điếc bẩm sinh, mù bẩm sinh, bệnh tim hoặc bệnh não bẩm sinh. Các bệnh lý bẩm sinh này thường xảy ra khi mẹ nhiễm Rubella trong 20 tuần đầu thai kỳ. Tuy nhiên, người ta thấy bệnh tim bẩm sinh chỉ xảy ra khi mẹ nhiễm Rubella trong 8 tuần đầu thai kỳ. Tuy còn ống động mạch là bệnh hay gặp nhất, nhưng trẻ cũng có thể bị các bệnh lý tim mạch bẩm sinh khác như hẹp van hoặc thân động mạch phổi, hẹp các mạch máu khác. Đầu bé là chứng bệnh rất phổ biến ở trẻ bị HCRBLBS.

Ngoài ra, có thể có đến 26% trẻ bị HCRBLBS sẽ bị chậm phát triển tâm thần, 18% có bất thường về hành vi, 12% có di chứng thần kinh hoặc bất thường tại các hạch nền và có đến 6% sẽ bị bệnh tự kỷ. Các bệnh lý về mắt do Rubella bẩm sinh bao gồm: Đục thuỷ tinh thể 2 bên ở 1/3 số trẻ và có thể có thiên đầu thống mạn tính kèm theo, mắt bé, viêm màng bồ đào dạng 'muối tiêu'.

Gần đây, người ta thấy rằng ở trẻ bị Rubella bẩm sinh dù lúc nhỏ không có biểu hiện gì, nhưng về sau có thể xuất hiện đái tháo đường phụ thuộc insulin (týp I), suy hoặc cường tuyến giáp và viêm chất trắng và chất xám não tiến triển.

Cách phòng tránh hội chứng Rubella bẩm sinh

Tổn thương mắt ở trẻ nhiễm Rubella bẩm sinh

Đa số trẻ bị HCRBLBS do mẹ chưa được miễn dịch nên nhiễm Rubella trong khi mang thai, nhưng cũng có một số ít trường hợp do mẹ tái nhiễm Rubella trong khi mang thai. Nếu mẹ nhiễm Rubella trong quý đầu mang thai sẽ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc HCRBLBS nhưng cũng có thể thai hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Vi-rút cũng có thể gây viêm bánh rau có hoặc không kèm theo tổn thương bào thai.

Từ tuần thứ 12-28 của bào thai, rau là hàng rào bảo vệ hoàn hảo cho thai nhi, nhưng trước và sau giai đoạn trên, rau thai không ngăn được vi-rút, đặc biệt là những tuần cuối trước sinh. Tuổi thai vào thời điểm mẹ nhiễm Rubella là yếu tố có tính quyết định thai nhi có bị nhiễm vi-rút và bị bệnh lý hay không. Mức độ bệnh lý giảm dần khi bào thai bị nhiễm Rubella vào thời điểm tuổi thai tăng dần. Tuy không có biểu hiện tổn thương bẩm sinh, nhưng việc nhiễm vi-rút mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào của một số tổ chức. Vì vậy, nhiều trẻ lúc mới sinh không có biểu hiện bất thường nhưng nhiều năm sau lại có di chứng.

Nhiễm Rubella trong thời kỳ mẹ mang thai sẽ có nguy cơ rất cao sinh ra con mang dị tật bẩm sinh, có thể là xuất hiện ngay khi đẻ nhưng cũng có thể xuất hiện về sau. Ở Việt Nam, các thầy thuốc nhi khoa, nhãn khoa và tai mũi họng đã chứng kiến các bệnh lý đau lòng do nhiễm Rubella bẩm sinh nên đều thấy rõ nhu cầu cần khống chế bệnh này.

Tuy nhiên, khi trẻ đã ra đời với HCRBLBS, giải quyết các hậu quả một cách thụ động, rất tốn kém nhưng hiệu quả không đáng kể. Do vậy, biện pháp tốt nhất để phòng tránh mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai là phải có kế hoạch tiêm phòng bệnh trước 1 tháng rồi mới mang thai. Khi đã mang thai, đặc biệt ở giai đoạn nửa đầu của thai kỳ cần tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh để tránh lây lan và mắc bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!