Cách trị mụn cóc lòng bàn chân

Cần biết - 04/25/2024

Mụn cóc cũng dễ lây nhiễm khi bạn đi chân trần tại các nơi công cộng như phòng tắm, hồ bơi, phòng tập gym.

Tôi 56 tuổi, bị mụn cóc ở lòng bàn chân từ vài năm nay. Trước đây, tôi không cảm thấy bị ảnh hưởng gì nhưng gần đây nó gây vướng víu và đau. Xin cho biết tôi có thể điều trị mụn cóc này như thế nào?

Nguyễn Phi Long (Hà Nội)

Mụn cóc lòng bàn chân là một bệnh khá thường gặp. Đây là một nhiễm trùng da do virut HPV xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Mụn cóc cũng dễ lây nhiễm khi bạn đi chân trần tại các nơi công cộng như phòng tắm, hồ bơi, phòng tập gym... Virut này phát triển mạnh ở nơi có độ ẩm cao, ấm và dễ lây hơn khi bàn chân bị tổn thương, khi đi giày, tất không sạch...

Mụn cóc lòng bàn chân thường lây lan sang các khu vực khác của bàn chân, tăng kích thước, có rễ ăn sâu vào da, làm cho người bị cảm thấy như có một viên sỏi trong giày gây khó chịu và đau.

Mặc dù mụn cóc lòng bàn chân có thể tự biến mất nhưng bạn nên điều trị nếu chúng phát triển to hơn và gây đau đớn, ảnh hưởng đến việc đi lại của bạn.

Một sai lầm của người mắc mụn cóc là tự lấy kim lể mụn cóc hoặc tự cắt bằng những dụng cụ không vô trùng. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng tại các vết thương và làm tình trạng nặng hơn, kéo dài tiến triển thành những vết loét mạn tính ở bàn chân. Do đó, bạn nên đến chuyên khoa da liễu để được điều trị.

Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tự chăm sóc, cắt mụn cóc hoặc áp dụng một phác đồ xử lý bằng hóa học. Chẳng hạn bạn có thể điều trị bằng bôi salicylic acid, áp dụng hàng ngày kết hợp với vệ sinh chân tốt. Sau đó, khi mụn cóc mềm ra thì sử dụng viên đá bọt để chà mụn cóc. Biện pháp này có thể mất vài tuần để các mụn cóc biến mất hoàn toàn.

Khi sử dụng biện pháp trên mà mụn cóc không hết, có thể sử dụng thủ thuật để loại bỏ nó. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sử dụng nitơ lỏng để đóng băng mụn cóc, làm cho nó tan ra, sau đó loại bỏ mụn cóc. Việc điều trị phải được lặp đi lặp lại thường xuyên cho đến khi toàn bộ mụn cóc bị loại bỏ.

Một số mẹo dân gian có thể sử dụng là: ngâm chân nước muối ấm mỗi buổi tối khoảng 15-20 phút, lấy cục đá bọt chà nhẹ cho da mụn cóc bớt dày, sau đó giã củ hành tím tươi đắp lên mụn cóc và băng lại đến sáng. Làm lặp lại như vậy khoảng 8-10 ngày, mụn cóc sẽ tự bong tróc ra và vết thương lành tốt.

Để giảm nguy cơ bị mụn cóc, hãy đi dép nơi công cộng. Sử dụng giày thoáng và thay đổi tất (vớ) thường xuyên để giữ chân khô.Thường xuyên rửa bàn chân bằng xà phòng diệt khuẩn. Không mang chung giày dép với người đang bị mụn cóc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!