Cách trị nhiệt miệng

Cần biết - 11/28/2024

Con trai tôi 17 tuổi, rất hay bị nhiệt miệng, ăn uống rất khó khăn. Rất mong bác sĩ tư vấn nguyên nhân và cách chữa.

Trần Hải (Hải Phòng)

Bệnh loét miệng hay nhiệt miệng là loại loét gây ra đau nhức phát sinh từ trong thành miệng, thông thường là ở lưỡi, lợi, giữa lưỡi dưới và răng. Chúng thường phát sinh đơn lẻ nhưng đôi khi nhô ra thành các cụm nhỏ trên bề mặt.

Nguyên nhân gây ra bệnh loét miệng có thể do virut hay vi khuẩn có khả năng gây ra loét ở bề mặt lưỡi, lợi khi hệ thống miễn dịch thấp. Thông thường, những yếu tố như căng thẳng tinh thần, cơ thể trong tình trạng kiệt sức, khó chịu thời kỳ tiền kinh nguyệt ở phụ nữ hay chế độ ăn kiêng không hợp lý, thiếu sắt hoặc vitamin B12... có thể gây ra bệnh loét miệng.

Trong hầu hết các trường hợp, vết loét sẽ tự khỏi không cần bất kỳ cách điều trị nào và chỉ cảm thấy khó chịu trong vài ngày. Nhưng nếu bạn muốn nhanh chóng khỏi loét miệng, có thể áp dụng một vài cách sau: Mua các loại thuốc giảm đau có chứa các chất axit và glycerin bôi ngày 2 lần sau khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Chúng có tác dụng giảm đau và rút ngắn thời gian điều trị. Phương pháp túi chè: pha túi chè đen vắt ráo, thấm trực tiếp vào chỗ loét 3-4 lần/ngày, axit amin có trong chè đen sẽ làm lành vết thương nhanh chóng.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến cách ăn uống trong lúc bị viêm loét miệng như: Tránh ăn các loại thực phẩm có chứa axit có vị chát hay tẩm nhiều gia vị (ví dụ như chanh, ớt, hạt tiêu cà chua, bưởi... sẽ làm xót vết thương gây đau đớn hơn). Uống nhiều nước và cẩn thận khi đánh răng. Tránh để bàn chải hoặc thức ăn cứng, sắc nhọn cọ xước nhiều lần vào vết thương sẽ làm vết thương lâu lành.

Nếu sau một vài tuần không thấy dấu hiệu khả quan, bạn nên đưa con tới bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tìm ra căn nguyên của bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!