Cách trị táo bón là mối quan tâm của không ít người vào những ngày Tết, bởi vì nếu tình trạng táo bón kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa.
Tết đến là dịp tất cả thành viên trong gia đình đều sum vầy tụ họp, là thời gian ghé thăm họ hàng, bạn bè sau một năm bận rộn. Việc tham dự tiệc rượu, ăn uống là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, hầu hết các món ăn ngày Tết thường không có nhiều rau xanh, do đó dễ khiến bạn bị táo bón. Sẽ thật kinh khủng nếu bạn bị táo bón vào những ngày đầu năm với cái bụng luôn có cảm giác nặng nề, khó chịu. Đừng quá lo lắng! Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cách trị táo bón qua bài viết dưới đây nhé.
Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Mỗi người có thói quen đi tiêu khác nhau, nhưng nếu bạn đi ít hơn 3 lần trong vòng một tuần, bạn có thể bị táo bón.
Thực tế, táo bón không phải là một bệnh lý cụ thể. Nó là triệu chứng của các bệnh ở đại trực tràng, gồm ruột già và trực tràng. Các bệnh gây táo bón có thể nhẹ và phổ biến như polyp đại trực tràng hoặc nghiêm trọng như ung thư đại trực tràng.
Cách trị táo bón hiệu quả
Thực tế, cách trị táo bón nhẹ rất đơn giản. Bạn chỉ cần thay đổi lối sống hàng ngày, chẳng hạn như tập thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên, uống nhiều nước – theo các chuyên gia khuyến nghị là khoảng 1,5 – 2 lít mỗi ngày – và bổ sung thêm chất xơ. Bạn nên hạn chế sử dụng thuốc nhuận tràng ở giai đoạn này vì cơ thể có khả năng cao bị phụ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên, bạn có thể thay thế chúng bằng những vị thuốc nhuận tràng như: rau mồng tơi, đu đủ hay chuối.
Cân bằng thời gian mỗi ngày để đi tiêu được thoải mái cũng là một cách trị táo bón. Uống nước ấm vài phút trước khi đi có thể giúp kích thích nhu động trực tràng.
Đối với tình trạng táo bón vừa và nặng, bạn có thể phải sử dụng đến thuốc để điều trị táo bón hiệu quả.
Cách trị táo bón ở người lớn
Hiện nay, phương hướng điều trị táo bón chủ yếu là dùng thuốc Tây. Cách này thường có tác dụng nhanh chóng nhưng không điều trị dứt điểm căn nguyên của táo bón.
Các nhóm thuốc chính thường dùng trong điều trị táo bón bao gồm:
- Thuốc nhuận tràng tăng tạo khối phân
- Nhóm bôi trơn: dầu paraphin, glycerin
- Nhuận tràng kích thích: làm tăng nhu động ruột. Tuy nhiên, sử dụng nhóm thuốc này cần phải được bác sĩ kê đơn và không nên lạm dụng vì thuốc có nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư
- Nhuận tràng thẩm thấu: muối magie và phosphate, sorbitol…
- Glycerin đặt hậu môn
- Ion magie, kẽm, canxi giúp tăng cường vận động ở ống tiêu hóa.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên dùng thuốc nhuận tràng ngắt quãng trong quá trình điều trị táo bón, vì sử dụng nhóm thuốc này lâu dài có khả năng gây biến chứng về sau.
Ngoài các biện pháp trên, người bị táo bón có thể áp dụng phương pháp xoa bóp, hít thở để hỗ trợ làm giảm tình trạng táo bón.
- Xoa bóp bụng mỗi ngày một lần, tốt nhất là vào buổi sáng, xoa theo chiều kim đồng hồ bằng dầu cải hoặc dầu lạc.
- Thực hiện những động tác hít thở bằng bụng để tăng co thắt cơ bụng, tạo sự lưu thông cho hệ thống co thắt đại tràng.
Người bị táo bón nên ăn gì vào dịp Tết?
Theo Đông y, Việt Nam có nhiều loại rau, củ, quả hỗ trợ trị táo bón dễ kiếm như khoai lang, khoai tây, đu đủ, chuối… đều có công dụng trị táo bón hiệu quả. Tuy nhiên, vào những ngày Tết sẽ khá khó khăn cho bạn trong việc tìm mua một số loại thực phẩm trên do chúng không có sẵn. Sau đây, các chuyên gia từ Hello Bacsi sẽ gợi ý cho bạn vài loại hoa quả có công dụng trị táo bón dễ dàng:
- Chuối chín: ăn mỗi ngày một quả giúp nhuận tràng, mềm phân, khắc phục táo bón hiệu quả.
- Táo: để táo còn nguyên vỏ và ăn mỗi ngày từ 2 – 3 quả vào buổi sáng nhằm phát huy hết công dụng trị táo bón cũng như kích thích hệ tiêu hóa của loại trái cây này.
- Kiwi: mỗi ngày ăn hai quả sẽ cải thiện vấn đề đại tiện rất nhiều.
- Lê, cà rốt, quả óc chó, hạnh đào, nho khô, quả mơ… cũng thúc đẩy nhu động ruột, trị táo bón, làm sạch đường ruột, kích thích tiêu hóa và nhuận tràng.
- Giá đỗ, rau cải mầm, đậu bắp, rau mồng tơi, bầu, củ cải trắng, cải thảo, bí ngô cũng có khả năng trị táo bón, giải nhiệt, nhuận tràng, giúp thúc đẩy nhu động ruột đào thải phân ra ngoài. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nấu những loại thực phẩm trên quá chín vì khi đó các chất dinh dưỡng sẽ không còn.
- Các loại đậu như đậu đen, đậu garbanzo, đậu lima, đậu pinto… giúp thức ăn di chuyển qua ruột dễ dàng. Bánh mì đen, ngũ cốc, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm táo bón.
Cách trị táo bón ở trẻ nhỏ
Táo bón ở trẻ nhỏ thường là do hệ tiêu hóa của chúng chưa hoàn thiện. Tần suất bị táo bón chiếm 3% ở trẻ dưới 4 tuổi và 10% ở trẻ trước tuổi trưởng thành. Dưới đây là một số phương pháp giúp trị táo bón hiệu quả ở trẻ em:
- Trẻ sơ sinh vẫn còn bú mẹ: nếu trẻ đi ngoài chậm vài ngày nhưng vẫn tự đi được và phân vẫn mềm nhuyễn thì trẻ vẫn ổn. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh tiếp tục theo dõi thêm.
- Trẻ dưới 1 tuổi: bạn có thể chọn một trong các biện pháp sau để chữa trị cho trẻ:
- Glycerin đặt hậu môn
- Thụt tháo bằng nước để nguội, làm mềm phân cho dễ đi ngoài
- Dùng thuốc lactoluse hoặc sorbitol điều hòa nhu động sinh lý của đại tràng và giúp làm phân mềm hơn
- Trẻ trên 1 tuổi: xổ phân nhanh bằng glycerin đặt hậu môn hoặc thụt tháo mỗi ngày từ 1 – 2 lần. Ngoài ra, bạn có thể thử phương pháp phối hợp: ngày thứ nhất thụt tháo, ngày thứ hai và thứ ba dùng viên đặt hậu môn.
Thuốc lactoluse và sorbitol cần dùng 2 lần/ngày trong bảy ngày liên tiếp. Lưu ý, bạn chỉ nên thụt tháo cho trẻ trong trường hợp trẻ bị ứ phân lâu ngày. Không nên lạm dụng biện pháp này.
Trẻ bị táo bón nên ăn gì vào dịp Tết?
Vào những ngày Tết, những món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, giò thủ, thịt đông… rất có sức hấp dẫn đối với trẻ nhỏ. Tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng những món ngon này cũng gây nên phần nào khó khăn cho hệ tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ đang bị táo bón. Do đó, bạn nên hạn chế cho trẻ ăn những món này, đồng thời bổ sung thêm các loại thực phẩm sau vào thực đơn ngày Tết:
- Các loại rau củ quả có hàm lượng chất xơ cao như súp lơ xanh, rau đay, rau mồng tơi, đậu bắp, rau cải, rau dền, đu đủ chín, khoai lang, bơ, táo: lượng lớn chất xơ từ các loại thực vật này giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tích cực hơn, khối phân mềm và xốp, dễ dàng được đại tràng tống thải.
- Các thực phẩm giàu magie (hạt mè đen, hạt hướng dương, hạt bí ngô…) và kẽm (tôm, cua, thịt bò…): magie và kẽm giúp tăng cường hoạt động của ống tiêu hóa. Chức năng tống đẩy phân của đại tràng cũng vì thế mà ổn định hơn.
- Sữa chua: nguồn lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, phòng tránh các tác động xấu của vi khuẩn có hại đến chức năng tiêu hóa bình thường của trẻ.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những điều bạn cần biết về thuốc trị táo bón
- Cẩn thận khi dùng thuốc nhuận tràng điều trị táo bón!
- Cách ngăn ngừa táo bón hữu hiệu ở con trẻ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!