Đau lưng là triệu chứng thường gặp ở những người lao động nặng hay bị các tổn thương tiềm tang ở cột sống. Khi bị đau lưng, bạn nên nghĩ đến dấu hiệu của một số bệnh như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống...
Việc phát hiện căn bệnh cụ thể còn tùy thuộc vào triệu chứng, vị trí bị đau. Trong bài hôm nay, BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú sẽ tư vấn cho bạn đọc về vấn đề nêu trên.
Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Em năm nay 22 tuổi, em xin hỏi em thường bị đau lưng, mỏi gối đó là triệu chứng của bệnh gì vậy? Và em nên dùng thuốc gì để điều trị?
BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú, Viện Pháp y TƯ, trả lời:
Chào em,
Đau lưng mỏi gối chủ yếu là do ít vận động, ngồi sai tư thế, áp lực công việc, ngoài ra nếu vận động không đúng cách hoặc mang vác các vật nặng, nằm không đúng cách…. cũng rất dễ dẫn đến chứng đau lưng mỏi gối.
Thông thường với tình trạng đau lưng mỏi gối thì chỉ cần nghỉ ngơi là khỏi. Tuy nhiên, cũng có những căn bệnh khác ẩn đằng sau tình trạng đau lưng nếu không được thăm khám kịp thời sẽ khiến bệnh trầm trọng thêm.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân:
- Đau phần trên lưng
Bị đau hoặc cảm thấy khó chịu ở phần xương dẹt của vai, hoặc xung quanh lồng ngực. Nguyên nhân phần lớn là do sự kích thích của cơ, đau các khớp ở lưng, bị thương hoặc nhiễm trùng.
- Đau giữa lưng
Đau ở giữa lưng được hiểu như đau dọc theo giữa xương sống, khu vực xung quanh ngực, nguyên nhân gặp là chấn thương thể thao, vận động sau tư thế, viêm khớp, bệnh cột sống, hoặc bị căng cơ.
- Đau ở phía dưới của lưng (đau thắt lưng)
Đây là chứng đau phổ biến nhất. Đau xuất hiện ở vùng thấp nhất của xương sống, khu vực thắt lưng. Chứng đau thắt lưng phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi 45. Đối với nhứng người trưởng thành bị đau thắt lưng, nếu bị đau khoảng 3 lần thì tình trạng sức khỏe hơi yếu hoặc rất yếu, còn 4 lần thì đang trong tình trạng sức khỏe đáng báo động.
Số người lớn bị chứng bệnh đau thắt lưng thường bị hạn chế các hoạt động sinh hoạt do khi đó bệnh của họ đã trở thành bệnh mạn tính.
Phòng tránh đau lưng mỏi gối
Trước hết, em cần phải nằm nghỉ ngay tại giường, toàn thân và tâm trí để thả lỏng. Có thể nhờ người khác hoặc tự mình lấy dầu nóng xoa vào vùng thắt lưng rồi dùng lòng hai bàn tay xát dọc hai bên cột sống theo chiều lên xuống trong 1 phút, sao cho vùng da nóng lên là được.
Tiếp đó, dùng ngón tay giữa day ấn các mỏm gai đốt sống thắt lưng với một lực tương đối mạnh trong 1 phút. Sau đó ngồi dậy ở tư thế thẳng lưng, cẳng chân vuông góc với đùi. Dùng các ngón tay day nhẹ vùng thắt lưng để tìm điểm đau nhất rồi dùng ngón tay giữa day ấn trong 1 phút với một lực tương đối mạnh.
Sau đó, đặt hai bàn tay ôm lấy eo lưng, ngón cái ở phía lưng, các ngón còn lại ở phía bụng (tư thế chống nạnh) rồi dùng hai ngón tay cái day bấm mạnh vào khối cơ lưng trong 1 phút, vừa day vừa nhẹ nhàng cúi ngửa cột sống thắt lưng với biên độ tăng dần.
Nếu việc nghỉ ngơi và xoa bóp bấm huyệt như cách trên không cải thiện được tình trạng đau lưng thì em cần đi khám bác sĩ ngay để được xác định đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở thành mạn tính, khó chữa hơn.
Chúc em mau khỏe!
Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Em năm nay 28 tuổi, là nữ giới. Hai ngày trước khi cúi xuống lấy đồ lưng của em bị đau lắm, em có xoa dầu nhưng đến hôm nay vẫn không bớt tí nào hết. Rất mong được sự tư vấn của các bác sĩ! Em chân thành cảm ơn!
BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú, Viện Pháp y TƯ, trả lời:
Chào em,
Tình trạng như em mô tả trong thư nghĩ nhiều đến khả năng em bị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa các đốt sống, có nhiệm vụ như một bộ phận giảm sóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động. Khi vòng sợi bao quanh bị rách, nhân nhầy thoát ra ngoài khỏi vị trí giữa hai đốt sống, thường là về phía sau gây chèn ép tủy sống hoặc các rễ thần kinh. Hiện tượng trên gọi là thoát vị đĩa đệm.
Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống. Chấn thương tác động trực tiếp vào vùng cột sống hoặc các tư thế xấu như cúi, nghiêng hay xoay người nhấc vật nặng - đặc biệt nhấc vật nặng ở cách xa người dễ gây thoát vị đĩa đệm.
Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng khác nhau. Thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất (trên 90% các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống) gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì.
Ảnh minh họa
Điều trị
Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn; chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, đắp dầu paraphin... Có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh.
Một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị đĩa đệm còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.
Biện pháp dùng thuốc bao gồm các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam... uống, tiêm hoặc bôi tại chỗ. Lưu ý các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận...
Các thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống.
Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin.
Nhìn chung không có chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason... đường toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp hạn hữu như đau nhiều không đáp ứng với các biện pháp trên, đặc biệt kèm phù tủy có thể dùng methylprednisolon đường tĩnh mạch liều cao, ngắn ngày, giảm liều nhanh nhưng phải có chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa và phải được theo dõi chặt chẽ các biến chứng.
Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-7 ngày cũng cho hiệu quả giảm đau khá tốt. Tuy nhiên, việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.
Gần đây, người ta bắt đầu sử dụng tia laze, sóng radio qua da để điều trị đau do thoát vị đĩa đệm. Đây là các phương pháp an toàn, tuy nhiên chỉ có hiệu quả khi chỉ định trong những trường hợp nhẹ, nhân nhầy mới chỉ lồi vào ống sống và không có các tổn thương kèm theo như gai xương, xẹp trượt đốt sống, hay phối hợp dày dây chằng vàng.
Phương pháp phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định trong các trường hợp sau: thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại, tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục); có liệt chi; đau quá mức, các thuốc giảm đau không hoặc rất ít tác dụng; sau khoảng 6 tháng áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả. Phẫu thuật nhằm giải phóng rễ thần kinh khỏi bị chèn ép. Phẫu thuật thay đĩa đệm mới nhìn chung ít được chỉ định.
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh khá nguy hiểm và cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng. Do đó em nên đi khám sớm ở các cơ sở có chuyên khoa ngoại hoặc chuyên khoa xương khớp. Tại đây các bác sĩ sẽ cho em chụp phim và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh, từ đó mới có hướng điều trị cụ thể.
Chúc em chóng khỏe!
SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!