Cẩm nang về bệnh lây qua đường tình dục

Sức Khỏe Giới Tính - 11/24/2024

Hello Bacsi cho bạn góc nhìn cận cảnh về bệnh lây qua đường tình dục bao gồm các bước chuẩn bị, những xét nghiệm gì và chữa trị thế nào cho hiệu quả.

Khi đã phát hiện bệnh lây qua đường tình dục (Sexually transmitted diseases – STDs), bước tiếp theo bạn cần đến thăm khám bác sĩ để tìm ra cách điều trị phù hợp nhất.

Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi đi khám?

Bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ chi tiết về trải nghiệm tình dục của mình, nhưng bác sĩ rất cần những thông tin này để đảm bảo chẩn đoán chính xác và đưa ra điều trị một cách thích hợp nhất. Khi đi khám, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Chú ý quy định về những gì bạn nên hạn chế làm trước khi đến phòng mạch. Lúc bạn hẹn khám, hãy hỏi bác sĩ xem liệu bạn có cần phải làm gì trước đó hay không;
  • Ghi chú lại những triệu chứng bạn đang gặp phải, bao gồm cả các triệu chứng có vẻ không liên quan đến lý do bạn đi khám;
  • Ghi lại danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng;
  • Viết ra tất cả những câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ.

Bạn phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

Nếu tiền sử quan hệ tình dục cho thấy bạn có khả năng mắc bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm thử máu hoặc nước tiểu để xác định nguyên nhân và loại nhiễm trùng mà có thể bạn đã mắc phải. Những xét nghiệm bạn có thể làm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: giúp xác nhận chẩn đoán nhiễm HIV hoặc các giai đoạn sau của bệnh giang mai.
  • Xét nghiệm nước tiểu:một số bệnh lây đường tình dục có thể được xác định bằng cách xét nghiệm mẫu nước tiểu.
  • Mẫu chất dịch: nếu bộ phận sinh dục của bạn có vết lở loét, bác sĩ có thể sẽ thực hiện xét nghiệm trên chất dịch và mẫu thử lấy từ vùng viêm loét để chẩn đoán loại nhiễm trùng mà bạn mắc phải. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với mẫu thử lấy từ vết loét hoặc chất dịch tiết ra từ bộ phận sinh dục thường được áp dụng để chẩn đoán những loại vi khuẩn phổ biến nhất cũng như một số loại bệnh lây qua đường tình dục có tính lan truyền cao ở giai đoạn đầu.

Những ai cần khám sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục?

Việc xét nghiệm tìm bệnh đối với những người chưa bao giờ xuất hiện triệu chứng được gọi là khám sàng lọc. Trong đa số trường hợp, khám sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục không phải là một phần bắt buộc của quá trình khám sức khỏe, nhưng bạn vẫn có thể yêu cầu khám sàng lọc khi khám sức khỏe định kỳ.

Xét nghiệm sàng lọc được khuyến cáo cho tất cả mọi người từ 15 đến 65 tuổi là xét nghiệm máu hoặc nước bọt để tìm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (virus HIV), loại virus gây ra bệnh AIDS. Những thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao cũng nên được khám sàng lọc.

Những trường hợp dưới đây nên yêu cầu khám sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục:

Tất cả những người sinh từ năm 1945 cho đến 1965

Tỷ lệ những người sinh từ năm 1945 đến năm 1965 mắc bệnh viêm gan C là khá cao. Bởi vì căn bệnh này thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi nó trở nên trầm trọng hơn. Các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả mọi người trong độ tuổi này đều nên khám sàng lọc tìm bệnh viêm gan C.

Phụ nữ có thai

Khám sàng lọc HIV, viêm gan B, bệnh chlamydia, giang mai thường được thực hiện ở lần khám tiền sản đầu tiên đối với tất cả phụ nữ mang thai. Xét nghiệm sàng lọc tìm bệnh lậu và viêm gan C được khuyến cáo thực hiện ít nhất một lần trong thời kỳ mang thai đối với các phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao.

Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên

Xét nghiệm sàng lọc Pap giúp bạn tìm kiếm các dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung, bao gồm viêm, những thay đổi tiền ung thư và dấu hiệu ung thư thường do một số loại virus human papillon (HPV) gây ra. Các chuyên gia khuyên rằng bắt đầu từ tuổi 21, phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm Pap ít nhất mỗi 3 năm một lần. Người ta cũng khuyên rằng những phụ nữ trên 30 tuổi nên đi xét nghiệm DNA HPV kèm xét nghiệm Pap mỗi 5 năm một lần hay xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần.

Phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục

Tất cả những phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục nên thực hiện xét nghiệm nhiễm chlamydia. Xét nghiệm chlamydia sẽ sử dụng mẫu nước tiểu hoặc dịch tiết từ âm đạo. Một số chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện xét nghiệm chlamydia lần thứ hai ba tháng sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính và tiến hành điều trị. Việc tái xét nghiệm là rất cần thiết để xác nhận xem liệu rằng tình trạng nhiễm trùng có được chữa khỏi hay chưa bởi vì việc tái phơi nhiễm khá phổ biến khi bệnh nhân lại tiếp tục quan hệ với bạn tình chưa trị dứt bệnh. Bạn vẫn có thể sẽ bị nhiễm bệnh lại, vì vậy hãy nhớ thực hiện xét nghiệm lại nếu bạn có bạn tình mới. Các phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục cũng được khuyên nên thực hiện khám sàng lọc bệnh lậu.

Nam quan hệ với nam

So với các nhóm giới tính khác, những người đàn ông có quan hệ tình dục với những người cùng giới có nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục cao hơn. Nhiều tổ chức y tế công cộng khuyến cáo rằng những người đàn ông nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục hàng năm hoặc thường xuyên hơn. Xét nghiệm sàng lọc thường xuyên để tìm bệnh HIV, bệnh lậu, chlamydia hoặc bệnh giang mai đặc biệt rất quan trọng đối với những người thuộc nhóm này. Xét nghiệm này cũng dùng để đánh giá tình trạng viêm gan B ở những người quan hệ đồng tính nam.

Những người mắc HIV

Nếu nhiễm HIV, nguy cơ mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục lại càng cao hơn. Các chuyên gia khuyên rằng những người nhiễm HIV nên thường xuyên khám sàng lọc tìm bệnh giang mai, bệnh lậu, chlamydia và herpes. Phụ nữ nhiễm HIV có thể sẽ mắc bệnh ung thư cổ tử cung nghiêm trọng. Do đó, họ nên thực hiện xét nghiệm Pap mỗi năm hai lần để tìm HPV trong năm đầu tiên sau chẩn đoán và mỗi năm một lần sau năm đầu tiên. Một số chuyên gia cũng khuyên những người đàn ông nhiễm HIV nên thực hiện khám sàng lọc HPV thường xuyên vì họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư hậu môn do HPV gây ra khi quan hệ tình dục thông qua đường hậu môn.

Mối quan hệ mới

Trước khi giao hợp, hãy đảm bảo rằng cả hai bạn đều đã được xét nghiệm tìm bệnh lây qua đường tình dục. Hãy nhớ rằng không thể xét nghiệm sàng lọc virus gây u nhú ở người (HPV) đối với nam giới. Không có xét nghiệm sàng lọc tốt nào để tìm bệnh herpes sinh dục ở cả nam và nữ, vì vậy có thể bạn sẽ không biết mình đang bị nhiễm cho đến khi xuất hiện các triệu chứng. Cũng có trường hợp bạn đã mắc bệnh lây qua đường tình dục rồi nhưng kết quả xét nghiệm lại là âm tính, đặc biệt là nếu bạn chỉ vừa mới nhiễm bệnh.

Bệnh lây qua đường tình dục được điều trị như thế nào?

Bệnh lây qua đường tình dục do vi khuẩn gây ra thường dễ điều trị hơn. Những ca nhiễm trùng lây lan có thể được kiểm soát nhưng không phải lúc nào cũng chữa dứt. Nếu bạn đang mang thai và mắc một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sang em bé. Việc điều trị thường bao gồm một trong những phương pháp sau đây, tùy thuộc vào ca nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh

Kháng sinh, thường được dùng với một liều duy nhất, có thể chữa được nhiều ca nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng lây nhiễm qua đường tình dục gây ra, kể cả bệnh lậu, giang mai, chlamydia và trichomonas. Thông thường, người ta sẽ thực hiện điều trị bệnh lậu và chlamydia cùng một lúc bởi vì hai căn bệnh nhiễm trùng thường xuất hiện cùng nhau.

Một khi bạn đã bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh, việc theo dõi điều trị là rất quan trọng. Nếu bạn không nghĩ rằng mình có thể dùng loại thuốc như đã kê, hãy báo cho bác sĩ biết. Bạn có thể sẽ được lựa chọn tuân theo một chế độ dinh dưỡng ngắn và đơn giản hơn. Ngoài ra, quan trọng nhất là bạn cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi quá trình điều trị hoàn tất và bất kỳ vết thương nào cũng đều đã được chữa trị hoàn toàn.

Các loại thuốc kháng virus

Bệnh herpes sẽ ít tái phát hơn nếu bạn áp dụng liệu pháp ức chế mỗi ngày bằng cách sử dụng một loại thuốc kháng virus được kê đơn. Các thuốc kháng virus giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhưng đối tác của bạn vẫn có khả năng nhiễm herpes.

Các loại thuốc kháng virus có thể giúp kiểm soát bệnh HIV trong nhiều năm, mặc dù virus vẫn tồn tại trong cơ thể người và vẫn có thể lây lan sang người khác. Bạn càng điều trị sớm bao nhiêu thì hiệu quả điều trị sẽ càng cao hơn bấy nhiêu. Một khi bạn đã bắt đầu điều trị – nếu bạn dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn – số lượng virus trong cơ thể có thể sẽ được hạ thấp đến mức gần như không thể phát hiện được.

Nếu bạn mắc phải một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, hãy hỏi thêm thông tin từ bác sĩ để biết bao lâu sau khi điều trị bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm bệnh lại lần nữa. Làm như vậy là để đảm bảo rằng việc điều trị có hiệu quả và rằng bạn không bị nhiễm trùng lại lần nữa.

Bạn phải làm gì nếu được chẩn đoán mắc bệnh lây qua đường tình dục?

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy rằng bạn đã mắc phải một bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn nên thông báo cho các bạn tình của mình biết – bao gồm cả bạn tình hiện tại và cả nhũng người từng quan hệ tình dục với bạn trong vòng 3 tháng hoặc 1 năm trước – để họ có thể được xét nghiệm và điều trị nếu đã bị nhiễm bệnh. Bạn có thể nhờ bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn. Thông thường, ở các bệnh viện, chuyên viên tư vấn sẽ giúp bạn nói chuyện với chồng hoặc người từng quan hệ tình dục với bạn.

Thông báo một cách tế nhị với bạn đời/bạn tình của bạn sẽ giúp hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với bệnh giang mai và HIV. Làm như thế cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của những người khác thông qua tư vấn và điều trị thích hợp cho người bệnh. Vì có khả năng là bạn sẽ mắc phải bệnh lây qua đường tình dục nhiều hơn một lần, hãy thông báo với bạn đời/bạn tình sẽ giúp giảm nguy cơ tái nhiễm bệnh cho chính bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!