Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thường gặp, tỉ lệ 28-30% trong dân số. Một nghiên cứu tại Việt Nam tại các trung tâm tim mạch lớn cho thấy có đến 62% người bệnh có triệu chứng của suy tĩnh mạch chi dưới.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, người cao tuổi, một số nghề nghiệp đòi hỏi đứng lâu, ngồi lâu, tiếp xúc với môi trường nóng...
Một điều khá đặc biệt là hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa, có thể gặp ở bệnh nhân dưới 20 tuổi, tỉ lệ bệnh nhân là nam giới cũng tăng lên. (Trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị, các bác sĩ đã gặp các trường hợp bệnh nhân nam 25, 26 tuổi).
Biến chứng do suy tĩnh mạch gây loét
Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính, bệnh thường diễn biến âm thầm nhiều năm, tùy từng trường hợp mà có biểu hiện sớm hay muộn, nặng hay nhẹ. Bệnh nhân thường than phiền vì cảm giác nặng chân, nhanh mỏi chân khi đứng lâu, ngồi lâu; cảm giác căng tức bắp chân, nóng chân về chiều; chuột rút về đêm.
Một số trường hợp cảm thấy tê bì, ngứa chân, hoặc giãn tĩnh mạch ở 2 chân, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Có nhiều bệnh nhân lầm tưởng mình bị các bệnh về cơ xương khớp, hoặc thiếu canxi máu, thậm chí các bệnh lý về da liễu, dẫn đến điều trị không hợp lý.
Hình ảnh tĩnh mạch bị suy
Suy tĩnh mạch chi dưới nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng. Mặc dù bệnh ít khi gây ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên khi các triệu chứng tăng dần lên, người bệnh sẽ thấy rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như chất lượng cuộc sống.
Khi máu lưu thông trong tĩnh mạch bị ứ lại sẽ dẫn đến loạn dưỡng da, tổ chức phần mềm ở chi dưới, dần dần làm thay đổi màu da, phù nề chi dưới, và dẫn đến loét chân.
Đây là biến chứng thường gặp nhất. Đặc điểm của vết loét do suy tĩnh mạch là loét lâu liền, chảy nhiều dịch, có thể bị nhiễm trùng. Nếu vết loét không liền trong 6 tháng thì bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư hóa tổ chức phần mềm tại chỗ loét.
Các biến chứng khác bao gồm: viêm tắc tĩnh mạch nông, có thể viêm tắc tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch sâu.
Hiện tại đã có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới, đặc biệt là suy tĩnh mạch nông chi dưới nguyên phát. Bệnh nhân cần kết hợp tập vận động, ăn uống hợp lý, kết hợp với các biện pháp dùng thuốc, mang vớ áp lực theo chỉ định của bác sĩ.
Một số trường hợp tự ý dùng các thuốc không theo chỉ định, đặc biệt các thuốc bôi da đơn thuần không mang lại hiệu quả mong muốn, thậm chí có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Khi suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính đã tiến triển đến các giai đoạn nặng, bệnh nhân cần được cân nhắc điều trị bởi các phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu như can thiệp nhiệt nội mạch (sử dụng sóng có tần số radio hoặc sóng laser), tiêm xơ, hoặc phẫu thuật.
Tại bệnh viện Hữu Nghị đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp nhiệt nội mạch. Có thể nói đây là phương pháp hiệu quả cao, an toàn. Bệnh nhân không cần được gây mê, không sử dụng thuốc kháng sinh, sau khi can thiệp có thể đi lại nhẹ nhàng, ra viện trong ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!