Trong khi các ca bệnh do sởi đang giảm mạnh và khả năng sẽ được loại trừ vào năm 2012 thì Rubella đang nổi lên với nhiều vấn đề gây 'sốt' trong cộng đồng. Các chuyên gia truyền nhiễm cho hay, mặc dù sốt phát ban do Rubella là bệnh lành tính song để lại hậu quả nặng nề, đó là nhiều bà mẹ mang thai mắc Rubella sinh ra trẻ bị dị tật bẩm sinh.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cần đưa vắc-xin phòng Rubella vào cộng đồng để ngăn chặn tác hại của căn bệnh này.
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TW cho biết, trước tình hình Rubella bùng phát mạnh mẽ trong thời gian qua, Viện vệ sinh dịch tễ TW đã tiến hành đánh giá các ca nhiễm Rubella ở bệnh viện và hội chứng Rubella bẩm sinh ở những bà mẹ mắc Rubella thời kỳ mang thai. Khu vực được lựa chọn là những nơi xuất hiện nhiều trường hợp dương tính với Rubella, đó là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các kết quả điều tra, giám sát bệnh cho thấy, tình trạng phụ nữ mang thai mắc Rubella nhập viện tăng, nhiều người trong số đó phải bỏ thai, nhiều trẻ sinh ra từ những bà mẹ này bị dị tật bẩm sinh. Mặc dù là bệnh sốt phát ban lành tính song để lại hậu quả nặng nề cho phụ nữ mang thai mắc Rubella, con sinh ra thường bị các dị tật như điếc, đục thủy tinh thể, các bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ… Viện sẽ tiếp tục theo dõi những khu vực trọng điểm của bệnh để phát hiện và tư vấn điều trị cho những phụ nữ mang thai mắc Rubella. Đây là căn bệnh trước đây ít được quan tâm. Thông qua sự giám sát chặt chẽ bệnh sởi mà Rubella được phát hiện nhiều và chính xác hơn do kết quả xét nghiệm những ca sốt phát ban. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Viện vệ sinh dịch tễ TW, cả nước có tới 10.000 trường hợp mắc Rubella xảy ra trong vụ dịch vừa qua.
Việt Nam cần chủ động sản xuất vắc-xin Rubella
Trong danh mục các vắc-xin của Tiêm chủng mở rộng hiện chưa có vắc-xin Rubella. Do vậy muốn phòng ngừa bệnh đòi hỏi sự chủ động của người dân tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia dự phòng, người dân Việt Nam chưa có ý thức nhiều trong việc chủ động phòng ngừa bệnh bằng vắc-xin, hầu hết quen phụ thuộc vào tiêm chủng miễn phí trong Chương trình TCMR. Chỉ khi nào xảy ra dịch lớn, nguy hiểm người ta mới đổ xô đi tiêm phòng.
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển cho biết, với tình hình Rubella hiện nay ưu tiên hàng đầu là tiêm phòng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi), sau đó là trẻ em 1-14 tuổi và tiếp theo nữa là tất cả trẻ đủ 12 tuổi hàng năm. Khó khăn nhất là vấn đề kinh phí mua vắc-xin và tổ chức chiến dịch tiêm. Theo ước tính, chỉ riêng phụ nữ 15-35 tuổi ở nước ta hiện có khoảng 16 triệu người, kinh phí mua vắc-xin phục vụ đối tượng này sẽ mất khoảng 300 tỉ đồng, chưa tính đến các chi phí khác phục vụ cho tiêm chủng vắc-xin này. Các chuyên gia dự phòng cũng khuyến nghị, trong điều kiện kinh phí hạn chế nên tạo điều kiện cho những khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên xảy ra dịch được tiêm phòng trước. Để chủ động kiểm soát được Rubella, Việt Nam cần tự sản xuất được vắc-xin này. Hiện nay Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) đã sản xuất thành công vắc-xin sởi, đây là điều kiện thuận lợi để sớm sản xuất được vắc-xin 3 trong 1: Sởi-quai bị-Rubella.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ, Chương trình TCMR Quốc gia cũng đang cố gắng vận động sự tài trợ của các Tổ chức quốc tế để sớm có vắc-xin Rubella phục vụ cộng đồng. Hiện TCMR đã đề nghị Liên minh vắc-xin và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tài trợ cho Việt Nam vắc-xin Rubella, vắc-xin phòng ngừa tiêu chảy do Rota vi-rút trong thời gian tới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!