Cần cung ứng kịp thời các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thời sự - 11/24/2024

Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), dịch vụ và hàng hóa SKSS/ KHHGĐ' (gọi tắt là Đề án 818) là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành dân số tỉnh Hòa Bình. Theo ngành dân số tỉnh, để đẩy mạnh hoạt động của Đề án, cần phải cung ứng kịp thời các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS/ KHHGĐ tỉnh Hòa Bình, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình là hướng đi tất yếu, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng PTTT để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số.

Thời gian qua để triển khai Đề án hiệu quả, Chi cục DS/KHHGĐ tổ chức tập huấn cho cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ các huyện những nội dung của Đề án 818, các kỹ năng tuyên truyền. Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh tích cực triển khai đồng bộ mô hình tiếp thị xã hội từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích bằng mọi hình thức như cấp, phát tài liệu, trên các phương tiện truyền thông và gặp gỡ trực tiếp. Cùng với đó, Chi Cục cũng tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 818 và đã nhận được sự đóng góp ý kiến của Sở.

Cần cung ứng kịp thời các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản

Sản phẩm của Đề án 818. ảnh TL

Triển khai Đề án 818 đến nay, tỉnh đã thực hiện ở 11 huyện, thành phố với 210 xã, phường, thị trấn. Thời gian qua đã tổ chức 222 lớp tập huấn với gần 3000 học viên tham dự và cung cấp gần 30.000 tờ rơi truyền thông cho các học viên, các đối tượng là người dân.

Các sản phẩm của Đề án 818 được phân phối ở tỉnh chủ yếu vẫn là bao cao su và dung dịch vệ sinh phụ nữ. Việc thực hiện có hiệu quả Đề án 818 đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn tỉnh. 

Số lượng người dân áp dụng biện pháp tránh thai tăng, đạt kế hoạch đề ra. Phải kể tới năm 2017, số người áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 103,3% kế hoạch, trong đó, số ca đình sản đạt 39,6%, số người sử dụng dụng cụ tử cung đạt 64,6%, cấy thuốc tránh thai 9,3%, tiêm thuốc tránh thai 711,2%, uống thuốc tránh thai 102,8%, dùng bao cao su 103,2%.

Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của ngành dân số, trong đó, trực tiếp là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số cơ sở đã tích cực 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' nắm bắt tâm lý và nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều người dân trên địa bàn đã thay đổi thói quen, tự nguyện mua sản phẩm tránh thai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án 818 còn gặp một số khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của Chi Cục dân số - KHHGĐ tỉnh, trong gần 3 năm triển khai Đề án 818, tại Hòa Bình chưa có sự hỗ trợ kinh phí của địa phương để triển khai các hoạt động của Đề án. Thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ, việc tuyên truyền trên hệ thống loa đài tại các thôn, xóm không được duy trì thường xuyên do hệ thống loa/ đài đã cũ hoặc hỏng. Các sản phẩm được phân phối cung ứng không kịp thời so với yêu cầu thực tiễn như thuốc tiêm tránh thai không có, viên Prenatal Fomual…

Trong khi đó, người dân đã quen với việc sử dụng miễn phí PTTT, kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tiếp thị xã hội PTTT còn hạn chế, sản phẩm chưa đa dạng, đôi lúc chưa kịp thời, chưa liên tục… là những khó khăn của công tác này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!