Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS).
Đa số đại biểu nhất trí với nội dung Dự án Luật và sự cần thiết ban hành Luật.
Các đại biểu đồng tình về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin nhưng phải bảo đảm bí mật người nhiễm HIV/AIDS...
Cần thiết sửa đổi Luật
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã bộc lộ các tồn tại, bất cập như: việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc sửa đổi Luật nhằm tạo hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra.
Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho thấy Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu tại các báo cáo thành phần của hồ sơ theo ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Các đại biểu ủng hộ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Nhiều đại biểu cho rằng một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay và một số luật hiện hành liên quan có sự mâu thuẫn với nhau về điều trị, chăm sóc bệnh cho người bị nhiễm.
Các bất cập, tồn tại đó cần sớm được bổ sung, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án luật.
Cần mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS
Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS nhằm bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV/AIDS trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện tồn tại tình trạng người thân đang chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS liệu có bị nhiễm hay không khi người bệnh không có ý thức tự giác thì rất nguy hiểm. Vì vậy, việc tiếp cận được thông tin người nhiễm là hết sức cần thiết để tránh lây nhiễm cho người thân như cha mẹ, vợ hoặc người chăm sóc trực tiếp về y tế của đối tượng này.
Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật thông tin của nhiều người nhiễm HIV/AIDS, để họ không mặc cảm với xã hội mà sống vui tươi, lành mạnh, đại biểu cho rằng cần có tư vấn, khuyến khích về mặt tinh thần cũng như đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết, nhưng đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng việc mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội là quá rộng và lo ngại điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS.
Đại biểu Triệu Thanh Dung cho biết trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế sau khi khảo sát ý kiến của 1800 người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn 27,8% không đồng ý với quy định này do tâm lý sợ bị lộ.
Theo đại biểu, có thể một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm sẽ gặp khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được.
'Chúng ta nên đặt mong muốn, nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS lên trên hết để tạo điều kiện tốt nhất điều trị, chăm sóc cho họ,' đại biểu Triệu Thanh Dung nêu ý kiến.
Nói về chế độ miễn phí xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện đối với phụ nữ có thai và cho con bú, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình về việc này và cho rằng, đây là một chế độ, chính sách rất đặc thù, rất cơ bản và rất nhân văn của Chính phủ đối với phụ nữ khi hiện nay việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đang rất được quan tâm.
Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý cần phân biệt phụ nữ xét nghiệm HIV/AIDS có đăng ký bảo hiểm y tế và những người chưa đăng ký bảo hiểm y tế.
Đối với những người chưa đăng ký bảo hiểm y tế phải có đóng góp một phần nào đó để xét nghiệm, đảm bảo sự công bằng và khuyến khích toàn dân, trong đó có phụ nữ mua bảo hiểm y tế.
Không cần thiết duy trì Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe của người bệnh
Một trong những nội dung mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn là việc bỏ quy định tại Điều 44 về Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
Theo đại biểu, quỹ bảo trợ cho người nhiễm HIV/AIDS cực kỳ quan trọng và thể hiện tính nhân văn của Nhà nước đối với những người nhiễm, nên giữ lại...
Chưa đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, không tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS là cần thiết.
Lý do đại biểu đưa ra là từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Quỹ còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đạt được mục đích thành lập.
Quỹ được Bộ Y tế xác định là đơn vị sự nghiệp nhưng không nêu rõ loại hình, không có chỉ tiêu viên chức. Tất cả cán bộ làm việc cho Quỹ đều kiêm nhiệm nên rất hạn chế về thời gian tham gia; không có khả năng thu hút người có năng lực và làm việc chuyên trách.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực cho Quỹ trong những năm qua không nhiều; phạm vi và mức độ tài trợ của Quỹ rất hạn hẹp, không tạo được dấu ấn trong cộng đồng và xã hội.
Theo đại biểu, trong vòng 12 năm, từ năm 2008 đến năm 2020, Quỹ mới chỉ huy động được hơn 5,7 tỷ đồng.
Những năm gần đây, số tiền huy động có xu hướng giảm, cá biệt có những năm chỉ huy động được chục triệu đồng.
Mục đích chính thành lập Quỹ là hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm nhằm giúp người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ điều trị HIV/AIDS và tổ chức chăm sóc giảm nhẹ cho người nhiễm chuyển sang giai đoạn nặng của bệnh mà không có nơi nương tựa.
Tuy nhiên, những năm qua hoạt động của Quỹ chủ yếu là tặng quà, mua sữa thay thế, mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm HIV/AIDS từ 6 đến 15 tuổi.
Đại biểu phân tích hiện không có bệnh nhân giai đoạn cuối và người nhiễm HIV/AIDS dùng thuốc vẫn khỏe mạnh bình thường.
Bên cạnh đó, 2 năm gần đây Chính phủ đã có chính sách chuyển nguồn hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế nên kinh phí Quỹ dành cho mục đích chính này không đáng kể.
Chính vì vậy, dù kinh phí huy động được cho Quỹ thấp, nhưng các hoạt động chi của Quỹ hạn chế và số tiền còn tồn động lại khá nhiều.
Trong 5,7 tỷ huy động mới chỉ chi 3,4 tỷ đồng, vẫn còn tồn 2,3 tỷ đồng chưa sử dụng hết./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!