PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết với đặc thù sản phẩm tiêu thụ lớn, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch chủ động.
Việc quan trọng đầu tiên là thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, sử dụng phụ gia thực phẩm, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu của các cơ sở sản xuất, vấn đề tự công bố.
Theo ông Phong, hiện nay Chính phủ cho phép các đơn vị sản xuất tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, các cơ quan chức năng thực hiện công tác hậu kiểm.
Các sản phẩm bánh trung thu tự công bố chất lượng theo mức an toàn mà Bộ Y tế đã ban hành ngưỡng giới hạn an toàn, trong đó có sản phẩm bánh kẹo, bánh trung thu với các chỉ tiêu về kim loại nặng, vi sinh nằm trong giới hạn cho phép.
Quan trọng nhất của việc hậu kiểm là tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm ưu tiên kiểm nghiệm mẫu, kết quả phải trả nhanh và nếu kết quả không đạt, yêu cầu dừng lưu thông ngay, tránh tình trạng sau trung thu mới có kết quả.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần mua và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã làm thủ tục tự công bố, bày bán ở nơi bảo đảm vệ sinh. Các địa phương, nhất là địa phương có cửa khẩu tăng cường thanh kiểm tra, giám sát sản phẩm nhập lậu với sản phẩm bánh kẹo trong đó có bánh trung thu.
Người dân không nên mua những loại bánh trung thu giá rẻ và không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Channel NewsAsia .
Trước thực trạng nhiều cơ sở nhỏ lẻ sản xuất manh mún sản xuất bánh trung thu, ông Phong cho biết: “Sản xuất dù công nghiệp, làng nghề, hộ cá thể hay dây chuyền hiện đại phải bảo đảm an toàn. Không thể lấy lý do sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở hộ gia đình được ưu tiên về điều kiện nào đó. Chúng tôi yêu cầu tất cả sản phẩm phải an toàn, đáp ứng điều kiện sản xuất tối thiểu”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khuyến cáo người dân không nên mua những loại bánh giá rẻ và không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.
“Khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh trung thu quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”, PGS Thịnh cho hay.
Đối với các loại bánh sử dụng phẩm màu, PGS Thịnh cho rằng nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, người dân sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.
Thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng - cho biết thêm mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi đi vào cơ thể, các chất này có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp…
Ngoài ra, ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!