BS Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, bệnh lõm ngực là một loại bệnh gây biến dạng lồng ngực bẩm sinh. Lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Xương ức bị ảnh hưởng nhiều nhất, không còn ở vị trí bình thường mà một phần thường là phía dưới mũi ức bị lõm vào trong.
Tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái, có trường hợp trẻ sinh ra đã bị lõm ngực nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ lớn lên mới phát hiện bị bệnh. Lõm ngực nếu không điều trị tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề về đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của bé. Ngoài ra tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng của mình, khi trẻ lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ (thiếu tự tin, chậm phát triển).
Một ca lõm ngực đang chờ phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1
BS Lê Vũ Phúc, Phụ trách khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, 3 năm trước, bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca/năm, tuy nhiên năm vừa rồi, số ca bị lõm ngực tăng lên đến 150 trường hợp/năm. Vào ngày cao điểm, khoa phẫu thuật 7-8 ca lõm ngực. Thông thường, bệnh nhi ở độ tuổi 7-15 tuổi, độ tuổi nhỏ hơn cũng có nhưng không nhiều.
Hiện nay, cách can thiệp hiệu quả nhất cho căn bệnh này là phẫu thuật luồn một thanh kim loại qua ngực để nâng phần ngực lõm lên. Thanh kim loại này sẽ được lấy ra sau 2-3 năm, khi xương lồng ngực đã ổn định.
Theo BS Minh, thông thường phẫu thuật này thực hiện cho trẻ trên 5 tuổi, hạn chế mổ cho trẻ nhỏ trừ trường hợp quá nặng, có bệnh lý bẩm sinh đi kèm. Với các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cho trẻ tập các bài tập tăng hô hấp, tập bơi.
Hai năm trở lại đây, phẫu thuật nâng xương lồng ngực đã được BHYT chi trả 80% chi phí cho trẻ trên 6 tuổi. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều trẻ bị bệnh được can thiệp kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!