Chợ đầu mối là nguồn cung cấp thực phẩm chính đến các chợ truyền thống, chợ lẻ cũng như hệ thống các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán cơm, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu người dân các thành phố lớn.
Tuy nhiên, việc quản lý thực phẩm tại các chợ đầu mối còn rất nhiều vấn đề bất cập, khiến thực phẩm 'bẩn' vẫn có đất tồn tại, cũng như lan truyền dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hãi hùng thịt lợn siêu rẻ, rau không xuất xứ
Từ sáng tinh mơ, rau, thịt từ các nơi ùn ùn đổ về các chợ đầu mối thông qua đủ loại phương tiện: xe máy, ô tô, xe ba gác... Trong số đó, không ít là những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Từ 3 - 4 giờ sáng hàng ngày, khu hàng thịt lợn của chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai - Hà Nội) đã rất tấp nập. Trong vai người đi mua thực phẩm, chúng tôi được cả chục tiểu thương mời chào đon đả.
Chợ Đền Lừ là chợ đầu mối phía nam thành phố, có đến hơn 100 gian bán thịt tập trung, nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là mỗi điểm bán lại có một giá khác nhau.
Khu bán nội tạng nhếch nhách, bốc mùi tại chợ Đền Lừ. (Ảnh minh họa: Internet)
Cụ thể, thịt có đóng dấu kiểm dịch giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg nhưng cũng có hàng thịt chỉ báo giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ngay buổi sáng sớm mà nhiều hàng đã bán những loại thịt có màu sắc nhợt nhạt, sờ vào miếng thịt không thấy tươi, thậm chí còn bốc mùi.
Đáng ngạc nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những loại thịt ôi, giá rẻ vẫn hút khách không kém gì các loại thịt tươi ngon.
Trong vai người mua thịt về bán quán cơm bình dân hay 'làm hàng' - như cách nói của những khách hàng ruột tại chợ, chúng tôi được một chị tiểu thương to béo đon đả giới thiệu và báo giá loại thịt lợn xay có giá chỉ 30.000 đồng/kg, thịt lợn thăn có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, sườn 50.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng 1/2 so với giá thịt bình thường.
Khi chúng tôi chê thịt kém tươi, sắc mặt chị ta kém hào hứng hẳn nhưng vẫn cố gắng nài nỉ: 'Hàng ngon hơn thì giá cao hơn nhiều. Bán cơm bình dân lấy hàng này là hợp lý lắm rồi. Không lấy nhanh thì lát nữa cũng chẳng còn hàng để mua đâu vì mấy khách quen của chị đã hẹn lấy hàng rồi'.
Viện cớ còn đi khảo giá mấy hàng nữa, chúng tôi chào chị bán hàng này để qua một hàng thịt khác. Tại đây, chủ hàng báo giá thịt lợn là 50.000 đồng/kg. Trong lúc chúng tôi đang xem thịt thì có một vị khách đi ngang qua và trả giá 40.000 đồng/kg. Chị bán hàng lắc đầu và nâng giá lên 45.000 đồng nhưng vị khách kia không đồng ý.
Tiếp tục mạch chuyện, chúng tôi hỏi chị bán hàng là tại sao các chợ bên ngoài lại bán giá cao hơn nhiều, chị tiểu thương tiết lộ: 'Thịt bên ngoài người ta cũng lấy từ đây mà ra, bôi ít tiết vào cho 'tươi' thì ra các chợ cóc vẫn bán được với giá 80.000 đồng/kg đấy'. Chị này cũng không quên khẳng định: 'Thịt của chị đảm bảo, em ăn mà bị hôi thì quay lại đây chị đổi lại cho'.
Từ sáng sớm, xe máy, xe thồ chở rau, thịt ùn ùn đổ về các chợ đầu mối. (Ảnh minh họa: Internet)
Trong quá trình thực hiện phóng sự này, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương đã có thâm niên 30 năm buôn thịt lợn tại chợ Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội).
Khi nghe thông tin về mức giá thịt lợn 40.000 - 50.000 đồng/kg, đặc biệt là thịt xay với giá 30.000 đồng/kg tại chợ đầu mối Đền Lừ, bà Vinh tỏ ra... sốc và khẳng định: 'Không thể có mức giá đó'.
'Với kinh nghiệm hàng chục năm đi buôn thịt tại các lò mổ uy tín, được kiểm dịch đàng hoàng, tôi khẳng định không thể bán với giá rẻ như vậy được. Hiện nay giá thịt lợn móc hàm đã là 67.000 đồng/kg; bỏ xương cục, móng đi thì là 70.000 - 72.000 đồng/kg. Giá chia miếng bán lẻ đến tay người tiêu dùng hiện nay ít nhất cũng là 90.000 đồng/kg. Đối với thịt xay, bỏ bì, giá hiện nay cũng phải 85.000 - 90.000 đồng. Như vậy loại thịt với giá siêu rẻ kia chỉ có thể là lợn chết, thịt thối', bà Vinh chia sẻ.
Cũng theo bà Vinh, trong giới buôn thịt lợn ai cũng biết lợn giá rẻ là lợn trong quá trình chuyển bằng xe về các lò mổ thường bị chết do dẫm đạp lên nhau hoặc lợn nuôi tại các hộ nhỏ lẻ bị ốm bệnh chết. Các tiểu thương thường thu mua về bán với giá rẻ. Lợn này đương nhiên không có dấu kiểm dịch.
Trở lại chợ Đền Lừ, theo quan sát của phóng viên, đa số thịt ở các sạp đều có màu nhợt nhạt, sờ vào thịt thấy nhũn chứ không có độ dẻo quánh. Quan sát kĩ hơn, nhiều khách hàng đến lấy thịt với số lượng lớn không hề trao đổi giá với người bán. Có vẻ họ đã quá 'rõ nhau' và khách cứ đến là chủ quán biết cần phải giao hàng gì.
Cách khu bán thịt lợn không xa là khu bán hàng thủy hải sản. Mùi tanh hôi bốc lên khiến nhiều khách hàng phải bịt mũi nhưng hoạt động mua bán vẫn rất tấp nập. Những con mực chất thành đống trên nắp thùng xốp đặt ngay dưới nền đất đầy nước thải lênh láng. Giá bán lẻ mực ống là 120.000 đồng/kg, mực móng tay giá 80.000 đồng/kg.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng nhiều để mở bán hàng ăn, ngay lập tức, cậu nhân viên của một cửa hàng hải sản gần cổng chợ chạy vào phòng và xách ra một tảng mực đóng đá và giới thiệu: 'Đây là mực đông lạnh, giá chỉ 90.000 đồng/kg. Chỉ cần bảo quản tủ lạnh thì để bao lâu cũng được. Các nhà hàng vẫn lấy ở chỗ em, chị lấy nhiều em sẽ bớt giá'.
Chợ đầu mối Đền Lừ cũng là một trong những điểm phân phối rau củ chính cho thị trường Hà Nội. Từ 2 - 3 giờ sáng, tấp nập ô tô, xe máy chở rau quả vào chợ. Trên đường tới chợ, chúng tôi cũng quan sát thấy cả chục xe máy chở rau củ từ các hướng đổ về chợ để phục vụ nhu cầu mua bán từ sớm.
Không chỉ trong chợ mà các xe thồ rau tụ tập kín rìa đường phía ngoài chợ, với đủ loại: su su, cải bắp, cà chua... Khảo sát của phóng viên tại chợ cho thấy, hầu hết sản phẩm không có nhãn mác. Người mua cũng ít quan tâm sản phẩm có xuất xứ từ đâu.
Thậm chí nếu có hỏi thì các tiểu thương cũng chỉ trả lời kiểu à ơi, thậm chí nói 'không cần quan tâm'. Đến khoảng 6 giờ sáng, khu vực bán rau củ thưa vắng. Hàng chục tấn hàng đã được chuyển đi tiêu thụ khắp thành phố.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!