Trong đó tỷ lệ tử vong sau 5 năm gần 50%. Ở Việt Nam bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch chiếm tỉ lệ 60% các bệnh nội khoa.
Tuy nhiên, nếu biết cách nhận biết cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thì người cao tuổi vẫn có thể hạn chế sự phát triển và sống chung hòa bình với bệnh tim mạch.
Nguyên nhân nào gây bệnh tim mạch?
Mạch máu bị xơ cứng: Ở người trẻ tuổi, mạch máu thường mềm mại, có tính đàn hồi và co giãn giúp tim co bóp để đẩy máu vào mạch máu dễ dàng.
Nhưng ở người cao tuổi, mạch máu trở nên cứng và kém đàn hồi khiến tim luôn gặp sức cản khi co bóp bơm máu vào động mạch nên phải hoạt động nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng xơ vữa động mạch cũng làm cho cấu trúc mạch máu bị biến đổi như thành mạch dày lên, lòng mạch hẹp lại.
Đầu tiên, những thay đổi này sẽ gây bệnh tăng huyết áp.
Người cao tuổi thường có huyết áp tâm thu (số trên) cao nhưng huyết áp tâm trương (số dưới) lại thấp, nếu hai con số này chênh lệch nhau nhiều dễ gây các bệnh tim mạch. Hậu quả cuối cùng là suy tim.
Biến đổi về cấu trúc tim: Trong tim có các cơ quan rất nhỏ làm nhiệm vụ phát tín hiệu để tim co bóp. Bình thường, chúng hoạt động đều đặn và chặt chẽ, tạo ra nhịp tim rất đều.
Nhưng ở người cao tuổi, các biến đổi về cấu trúc của tim có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này, gây ra tình trạng loạn nhịp tim, nghĩa là tim đập quá nhanh, quá chậm hay không đều.
Không chỉ thế, các van tim ở người cao tuổi cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi gây nên bệnh van tim người cao tuổi.
Bệnh tim mạch thường gặp
Tăng huyết áp
Chỉ số huyết áp bình thường của người già ở độ tuổi từ 60 đến 64 thông thường là 134/87 mmHg.
Tuy nhiên, đối với người trên 70 tuổi thì huyết áp tâm thu (chỉ số tối đa) sẽ có trị số lớn hơn một ít, ở khoảng 140-160 mmHg.
Người già thường mắc phải các kiểu huyết áp như cao huyết áp tâm thu, cao huyết áp áo choàng trắng và cao huyết áp giới hạn.
Đây là ba kiểu huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ dẫn đến tình trạng bị nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn cơ tim, đột quỵ…
Theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam khoảng 30% người từ 60 – 65 tuổi và 40% người trên 65 tuổi bị cao huyết áp.
Khi bị bệnh tăng huyết áp, người cao tuổi nên xác định cần sống chung với bệnh cùng việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp.
Các thuốc trị huyết áp đang được dùng hiện nay bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn α-adrenergic, thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin, thuốc chẹn β-adrenergic, thuốc giãn mạch trực tiếp.
Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng xuất hiện những mảng xơ vữa, khiến cho lòng động mạch bị chít hẹp, giảm khả năng lưu thông của máu nên không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian, lưu lượng máu và oxy cung cấp cho tim vì thế càng ngày càng giảm.
Tim suy yếu dần do thiếu oxy lâu dài nên thường dẫn đến suy tim hoặc nhồi máu cơ tim.
Nguy cơ bệnh động mạch vành tăng khi tuổi tác càng cao. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) và cũng là bệnh lý ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác.
Phương pháp điều trị bệnh mạch vành ở người cao tuổi bao gồm dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Rối loạn nhịp tim
Bình thường quả tim đập nhịp nhàng 65-70 lần/phút. Khi các xung động dẫn truyền bị rối loạn, các buồng tim (thất, nhĩ) co bóp không theo tuần tự sẽ dẫn đến loạn nhịp tim.
Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim bao gồm rối loạn nhịp tim nhanh, block nhĩ thất, rối loạn nhịp tim chậm.
Triệu chứng cảnh báo bệnh lý này được kể đến là mệt mỏi, chóng mặt, choáng ngất, đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp…
Để điều trị, tùy thuộc vào từng loại rối loạn nhịp tim ở từng người bệnh sẽ có các biện pháp cụ thể bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống, đặt máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, cô lập tĩnh mạch phổi hay triệt đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần.
Suy tim
Suy tim là một biến chứng thường gặp của một số bệnh ở người cao tuổi, người trên 65 tuổi chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 85% tử vong vì suy tim xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi.
Tần suất suy tim gia tăng theo tuổi.
Nguyên nhân do người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị, mắc bệnh thiếu máu cơ tim; nhồi máu cơ tim; bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ); bệnh tim bẩm sinh không điều trị bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch…); viêm cơ tim; loạn nhịp tim kéo dài…; cường giáp không điều trị, suy thận mạn tính.
Ngoài ra còn do một số bệnh của mạch máu và khoảng 40% không tìm được nguyên nhân cụ thể.
Nguyên tắc điều trị suy tim ở người cao tuổi là điều trị các tác nhân thúc đẩy bệnh tiến triển, điều trị tình trạng ứ nước và natri, cải thiện tối ưu chức năng co bóp cơ tim, giảm gánh nặng đối với tim… bằng các loại thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta…) hay điều trị ngoại khoa (trường hợp suy tim mạn tính có thể được chỉ định phẫu thuật ghép tim).
Ngoài ra, ở người cao tuổi còn thường gặp các bệnh về van tim bao gồm hẹp van động mạch chủ, sa van hai lá, hẹp dưới van động mạch chủ phì đại nguyên phát.
Đặt máy tạo nhịp điều trị rối loạn nhịp tim.
Dấu hiệu nghiêm trọng cần đi khám
Đau thắt ngực: Thường xảy ra đột ngột khi gắng sức hay xúc động với cảm giác bị đè nặng như bị bóp nghẹt giữa ngực, có thể lan xuyên lên vai trái) hay tay trái, kéo dài vài phút, kèm theo khó thở hay vã mồ hôi.
Nếu ngưng gắng sức và nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ hết trong vài phút. Đây có thể là biểu hiện của thiếu máu cơ tim nhưng cũng có thể là nhồi máu cơ tim khi mạch máu nuôi tim bị tắc hoàn toàn và đau thắt ngực kéo dài hơn 20 phút.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý cần cấp cứu tại bệnh viện càng sớm càng tốt thì mới điều trị thành công.
Khó thở: Khó thở có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nếu khó thở khi gắng sức, mệt mỏi khi vận động thì cần đi khám sớm vì có thể đây là dấu hiệu của suy tim.
Nguyên nhân do khi tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động.
Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây phù hai chi dưới.
Khi có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu làm siêu âm tim và chụp x quang phổi để chẩn đoán bệnh chính xác.
Hồi hộp, đánh trống ngực: Đôi khi kèm theo chóng mặt, ngất xỉ là triệu chứng chung nhất của rối loạn nhịp tim.
Có rất nhiều loại bệnh khác nhau, một số loại không quá nguy hiểm (như rung nhĩ), một số khác rất nguy hiểm và cần điều trị ngay (như nhịp nhanh thất).
Để biết có bị rối loạn nhịp hay không, người bệnh có thể tự sờ mạch ở tay hay cổ cũng có thể biết nhịp tim không đều.
Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ. Ở người cao tuổi, bệnh có thể không có triệu chứng, nhiều khi rối loạn nhịp tim xảy ra thành từng cơn, do đó để chẩn đoán có thể cần phải gắn máy ghi điện tim liên tục cả ngày (gọi là máy Holter).
Phòng tránh bệnh thế nào?
Bệnh tim mạch ở người già có thể khắc phục và ngăn ngừa hoàn toàn bằng cách thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống hợp lý và giữ tinh thần thoải mái.
Thay đổi lối sống: Người cao tuổi nên ngưng hút thuốc lá vì trong thuốc lá có chất nicotine có khả năng làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu.
Thường xuyên kiểm soát huyết áp mỗi tháng để đề phòng cao huyết áp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách giảm lượng cholesterol, kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.
Chế độ ăn uống hợp lý: Người cao tuổi nên thực hiện chế độ ăn ít cholesterol bão hòa, chất béo và natri để giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol.
Chế độ ăn nên giảm muối (không quá 1/3 muỗng cà phê muối trong một ngày), hạn chế rượu (nhất là với trường hợp bị suy tim do tương tác với thuốc điều trị suy tim, giảm khả năng co bóp của cơ tim, gây rối loạn nhịp tim).
Tránh dùng các thuốc gây giữ nước như corticoid…
Thư giãn tinh thần: Người cao tuổi cần được sống trong môi trường trong sạch, gia đình đầm ấm, hạnh phúc để giảm căng thẳng và giảm bệnh tật nói chung, bệnh tim mạch nói riêng.
Người cao tuổi cũng nên tham gia các câu lạc bộ và tự tìm kiếm niềm vui tuổi già với các thú vui khác nhau như chơi cây cảnh, chim cảnh, đánh cờ...
Khám sức khỏe định kỳ: Ba đến sáu tháng nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ đễn đến bệnh tim mạch, như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, phồng bóc tách động mạch, thiếu máu cơ tim, các bệnh về van tim…
Đặc biệt những bệnh nhân đã bị bệnh tim mạch rồi thì càng phải đi kiểm tra thường xuyên để tránh những biến chứng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!